8/08, 1:52 pm
Một loài tắc kè hoa màu xanh có đốm tại Madagascar đang giữ kỷ lục thế giới về tốc độ trong số gần 30.000 loài vật có 4 chân và xương sống khác.
Thực ra đó không phải là kỷ lục mà nhiều người trong số chúng ta mong muốn có được. Theo công bố của các nhà nghiên cứu trên tờ The Proceedings of the National Academy of Sciences, toàn bộ cuộc đời của loài tắc kè hoa Furcifer labordi từ giai đoạn được thụ tinh cho đến giai đoạn phát triển trong trứng, nở, trưởng thành, sinh sản cho đến giây phút tồn tại cuối cùng của chúng chỉ vỏn vẹn có một năm.
Theo các nhà khoa học, vòng đời cực kỳ ngắn ngủi có lẽ đã khiến tắc kè hoa trở thành loài động vật bốn chân có cuộc đời ngắn nhất trên Trái Đất. Xét về mặt thời gian nó là loài sinh vật có nhiều đặc điểm giống bướm hay mực hơn là giống bò sát, ếch nhái, chim và động vật có vú về mặt phân loại.
Theo Christopher J. Raxworthy – một tác giả của bài công bố, một điều cũng kì lạ không kém chính là việc loài tắc kè hoa nói trên mất đến 2/3 thời gian tồn tại ngắn ngủi của chúng dưới dạng trứng được chôn trong cát khoảng từ 16 đến 20 tuần để phục vụ cho các hoạt động sau khi nở.
Con tắc kè hoa Labord đực tại Madagascar đang sẵn sàng giao phối. Nó đang khẩn cấp đi tìm bạn tình. (Ảnh: Bill Love/ Blue Chameleon Ventures)
Bên cạnh đó, tắc kè hoa thực hiện các hoạt động với một lịch trình đồng bộ, ấp nở, sinh trưởng, giao phối và chết dù ít hay nhiều cũng vào các thời điểm tương đương với tốc độ tương đương trong suốt một năm. Kết quả là, “nếu bạn đi vào rừng vào mùa khô, tất cả quần thể tắc kè hoa lúc đó chỉ là những quả trứng”, tiến sĩ Raxworthy – phụ trách về bò sát học tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ cho biết.
Điều này có vẻ như trái với trực giác, nhưng lịch trình của tắc kè hoa F. labordi lại có giá trị trong việc tìm hiểu các gen cũng như các yếu tố sinh học khác có vai trò tăng cường tuổi thọ. Các nhà nghiên cứu đã quan sát được rằng tắc kè hoa không chỉ có tuổi thọ thấp tính theo mức trung bình, mà chúng còn là một loài sống thường niên bị ép buộc. Chúng phải chết sau một cú ngã theo hướng mặt trời. Định mệnh đó khác biệt đáng kể về mức độ tồn tại lâu dài của các loài có 4 chân.
Kristopher B. Karsten thuộc khoa động vật học tại Đại học bang Oklahoma đồng thời là một tác giả khác của bài công bố cho biết: “Có khoảng 12 loài thằn lằn được phát hiện là có đời sống ngắn ngủi, trong đó có tỷ lệ tương đối các cá thể chết trong vòng 1 năm. Nhưng cũng có một vài cá thể tồn tại được đến năm sau, do đó tuổi thọ tối đa của loài lâu hơn một năm”.
Nhưng loài tác kè Malagasy lại không có được may mắn đến thế, chúng sống trong khu vực phía tây nam cằn cỗi thuộc hòn đảo khổng lồ. Tiến sĩ Karsten cho biết: “Một khi chúng đã sống đến cuối mùa nghĩa là chúng đã sống hết cuộc đời”, rồi chúng sẽ rơi xuống khỏi cây với vẻ duyên dáng như chiếc lá mùa thu. Nhận định rằng trật tự ra đi giống như một phần trong chương trình của loài tắc kè hoa, các nhà nghiên cứu có thể nhận biết được gen cụ thể hay hoocmon “ám sát” trong tế bào thằn lằn để tìm ra gen hay hoocmon tương tự trong tế bào người rồi tìm hiểu chúng.
Nghiên cứu mới đồng thời nhấn mạnh đến ứng dụng ngày càng phát triển của cái gọi là giả thuyết lịch sử sự sống để lần theo dấu vết lịch sử và diễn tiến của sự sống trên Trái Đất.
Các nhà khoa học mới đây đã xác định được rằng rất nhiều đặc điểm quan trọng trong hồ sơ của loài vật có mối liên hệ với nhau; ví dụ như về đặc điểm liệu lúc sinh ra chúng có trông giống bào thai và yếu ớt giống con mèo mới sinh, hay chúng sớm phát triển và thành thạo như hươu cao cổ, kích cỡ trung bình của một lứa là bao nhiêu, tốc độ mà loài đạt tới mức trưởng thành về giới tính, khoảng cách về thời gian giữa hai lứa sinh sản, và tốc độ già đi của con trưởng thành.
Nếu cố gắng để cải thiện một trong những thông số nói trên thì sẽ phải trả giá bằng cách kết thúc ở một điểm nào đó khác trong cuộc đời. Steven N. Austad, tác giả của “Why We Age” (tạm dịch là “Tại sao chúng ta lại già đi”) đồng thời là giáo sư sinh học cấu trúc và tế bào thuộc Trung tâm khoa học sức khỏe, Đại học Texas, cho biết: “Một trong những điều cốt yếu nhất của giả thuyết lịch sử sự sống chính là sự tồn tại dựa trên trạng thái cân bằng”.
“Nếu số lượng con non tăng lên, cái giá phải trả thường là tốc độ già đi bị đẩy nhanh. Nếu như một loài có yếu tố nào đó giúp
sống lâu hơn, thì nó phải nhận lại hậu quả vào thời điểm ban đầu của cuộc sống là khả năng sinh sản thấp, hoặc thậm chí vô sinh”.
Loài Furcifer labordi dành phần lớn thời gian nằm trong trứng. (Ảnh: Kristopher B. Karsten)
Áp lực chọn lọc trong môi trường đẩy cách loài đến chiều hướng này hay chiều hướng kia của sự sống. Một ví dụ là nếu có một loài trong đó đa phần cá thể trưởng thành bị kẻ thù ăn thịt hay chết vì bệnh dịch, thì giải pháp tốt nhất là tập trung vào việc sinh sản sớm và thường xuyên hơn, và không cần phải lo lắng về các nhu cầu lâu dài như hệ thống sửa chữa AND. Chính vì thế mà các loài động vật gặm nhấm thường rất được loài ăn thịt ở mọi nơi ưa thích có tỉ lệ sinh sản cao nhưng có tuổi thọ khá thấp.
Đối với các loài có tỉ lệ con non tử vong là khá cao, ví dụ như loài rùa khổng lồ chẳng hạn, chúng lai có xu hướng tập trung vào việc tận dụng giai đoạn trưởng thành với đặc tính trưởng thành bị trì hoãn kèm theo tuổi thọ được kéo dài.
Các biến đổi thảm khốc bên ngoài có thể nhanh chóng thiết lập lại chương trình tồn tại của một loài. Trong một bản báo cáo mới trên tờ National Academies, các nhà nghiên cứu đã đưa ra các bằng chứng rằng loài ác quỷ Tasmania – thú có túi ăn thịt lớn nhất – đã phản ứng với một loại bệnh ung bướu truyền nhiễm gây tử vong ở con trưởng thành bằng cách tăng mức độ dậy thì sớm ở con non gấp 16 lần. Nếu như một cá thể nào đó có khả năng phải bỏ mạng vào ngày mai thì tốt nhất là nên bắt đầu làm bố mẹ vào ngay hôm nay.
Lịch sử sự sống đặc biệt của loài Furcifer labordi dường như cũng bắt nguồn từ nghịch cảnh éo le và những biến đổi không ngừng. Loài tắc kè hoa Furcifer là một trong số các thành viên nhỏ nhất trong họ, con trưởng thành thường bị chim và rắn biến thành đồ khoái khẩu. Khí hậu địa phương cũng khắc nghiệt và không thể dự đoán trước được khiến số lượng cá thể tồn tại được qua một mùa mưa rất ít.
Bên cạnh đó, mùa mưa bắt đầu vào tháng 11 khi trứng tắc kè hoa bắt đầu nở hàng loạt. Mùa mưa rất ngắn vì thế nên cần phải được khai thác nhanh chóng với mức độ tối đa. Những con thằn lằn lưỡi cuộn ngay lập tức bắt đầu bắt côn trùng. Theo tiến sĩ Raxworthy, chúng ăn nhiều đến nỗi “chúng trưởng thành nhanh chóng ngay trước mắt chúng ta”.
Cho đến tháng 1, tắc kè hoa Furcifer đã sẵn sàng giao phối. Một cuộc chiến bạo lực giữa các con đực với nhau cũng như giữa các con cái với nhau đã diễn ra. Mặc dù tắc kè hoa là loài trông khá dễ thương, nhưng “chúng có thể rất phản xã hội, nếu có những con khác đứng xung quanh chúng, chúng sẽ rất sẵn lòng mà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, tiến sĩ Raxworthy nói.
Tiến sĩ Karsten ngờ rằng mùa sinh sản nhanh chóng của tắc kè hoa Furcifer labordi làm thúc đẩy tính hiếu thắng lên mức cao đến nỗi khiến những con tắc kè chết một phần vì hoocmon cao quá mức cần thiết.
Trà Mi (Theo The New York Times)