Chúng tôi tung người khỏi chăn khi nghe tiếng hét thất thanh của Tuấn, đồng loạt lao ra khỏi lều chạy bổ về hướng có tiếng động, để chiêm ngưỡng “vị thần” đang say ngủ sau một đêm no mồi.
Ảo giác về “rắn thần”
Cách đây khoảng bốn năm, Tuấn – một thành viên trẻ của website Sinh vật rừng Việt Nam sống ở khu vực vườn quốc gia Lò Gò – Sa Mác (Tây Ninh) gọi điện cho tôi kể về việc cậu nhìn thấy một loài rắn rất đẹp, sắc da màu đỏ bầm như máu với các hoa văn phân bố khá đều trên lưng. Anh chàng hào hứng cho rằng mình đã may mắn gặp được “rắn thần” vì sau đó một thời gian thì công việc làm ăn rất suôn sẻ, may mắn. Với tư cách là thành viên của một website sinh vật rừng, Tuấn cũng băn khoăn về nguồn gốc phân loại của loài “rắn thần” đó.
Thế nhưng, khi tôi hỏi về mẫu vật loài thì hắn tiu nghỉu: “Em chỉ nhìn thấy nó rất to, mình tròn trùng trục mà ngắn, bò qua đường ven suối nhưng không dám đến gần vì sợ là rắn độc…”
Bẵng một thời gian, câu chuyện về loài “rắn thần” của Tuấn gần như rơi vào quên lãng vì việc phán xét mơ hồ về tên một loài nào đó, nếu không có mẫu vật, là điều tối kỵ trong phân loại sinh vật. Mới đây, Tuấn lại gọi cho tôi lần nữa và hào hứng kể về cuộc hội ngộ “rắn thần” trong một lần lội rừng với bạn bè. Lần này, Tuấn còn gửi mấy tấm hình được chụp bằng chiếc điện thoại “cùi bắp” của hắn, trong điều kiện ánh sáng yếu bởi cây rừng bao phủ. Tuy tấm ảnh mờ tịt nhưng tôi cũng lờ mờ đoán được vị “rắn thần” của Tuấn khá giống với một trong ba loài trăn thuộc giống Python phân bố ở Việt Nam. Chúng tôi hẹn nhau một chuyến đi để diện kiến vị “ân nhân” này.
Cuộc xâm nhập “bất hợp pháp”
Cơn mưa sáng dai dẳng mãi không dứt. Mùa này, ở vùng đệm giáp biên giới Campuchia, nước đã tràn trề hầu khắp các con lạch, mênh mang cả một phần khu rừng của vườn quốc gia Lò Gò – Sa Mác. Chúng tôi vừa ngồi nhấm nháp càphê vừa đợi mưa tạnh. Cẩn thận hơn, tôi gọi điện thông báo với trạm trưởng trạm kiểm lâm của vườn quốc gia về ý định xâm nhập “bất hợp pháp” của nhóm. Tuy không thể cùng tham gia chuyến đi nhưng anh đã nhiệt tình cử hai nhân viên kiểm lâm tháp tùng nhóm nghiên cứu.
Mưa mãi không dứt. Chúng tôi quyết định luồn rừng trong mưa theo lộ trình mà Tuấn vạch sẵn. Khi đến được nơi Tuấn phát hiện “rắn thần” thì mưa cũng ngừng rơi. Mọi người chia nhau lùng sục, ngó nghiêng từng gốc cây, bụi cỏ trong bán kính rộng đến nửa cây số. Chúng tôi tìm kiếm đến mệt nhoài trong vô vọng. Chúng tôi quyết định dừng lại ăn trưa và nghỉ ngơi. Cũng với quy mô và phương pháp tìm kiếm như buổi sáng, nhưng đến khi trời nhập nhoạng, kết quả chúng tôi thu được vẫn là con số không. Mọi người bắt tay vào việc dựng lều để ngủ qua đêm trong rừng. Sáng hôm sau, có lẽ vì mãi không tìm được “vị thần” nên Tuấn thức dậy sớm, thơ thẩn đi dạo loanh quanh khu cắm trại trong khi mọi người vẫn ngon giấc…
Chúng tôi giật bắn khi nghe tiếng hét thất thanh của Tuấn. Tất cả đồng loạt lao ra khỏi lều và chạy bổ về hướng phát ra tiếng động. Cách khu lều trại không xa, Tuấn đang đứng chết trân khi phát hiện một trong những “vị thần” của mình đang nằm im ngủ sau một đêm săn mồi.
Sáng tỏ về nghi vấn phân bố
Với kinh nghiệm lấy mẫu bò sát, tôi nhẹ nhàng vạch kẽ lá, lấy đèn pin săm soi vì không muốn đánh thức giấc ngủ của nó. Sau đó, không kìm nén được niềm mừng tận mắt nhìn thấy loài vật từng được giới phân loại nghi ngờ phân bố ở Việt Nam trong suốt thời gian dài, tôi nhẹ nhàng dùng tay bốc nó ra một nơi để dễ quan sát và chụp hình hơn. Sau khi kiểm tra một cách kỹ lưỡng, tôi có thể khẳng định với những nhà nghiên cứu bò sát lưỡng cư ở Việt Nam và thế giới rằng: sự phân bố của loài trăn cộc Python brongersmai đã hoàn toàn sáng tỏ, loài này có vùng phân bố ở Việt Nam và với cá thể nhỏ này, chắc chắn sẽ có những cá thể cha, mẹ lớn hơn cùng phân bố ở vườn quốc gia Lò Gò – Sa Mác.
Vì lý do bảo vệ sự tồn tại của loài trăn xinh đẹp và quý hiếm này, chúng tôi không thể công bố địa điểm, toạ độ chính xác vùng phân bố của nó, ngay cả trong các báo cáo khoa học. Chính những hoa văn và sắc màu tự nhiên tuyệt đẹp trên cơ thể Python brongersmai đã khiến chúng trở thành loài bị săn bắt, tận diệt nhằm đáp ứng nhu cầu của những người nuôi trăn cảnh.
Chân dung “gã khổng lồ” Python brongersmai
Trăn cộc là một loài rắn cỡ lớn và trong số ba loài thuộc giống Python phân bố ở Việt Nam thì trăn cộc Python brongersmai có kích thước nhỏ nhất và cũng là loài hiếm nhất. Loài trăn này có đầu nhỏ hình tam giác, ở mỗi bên mép trên có hai hõm vảy nằm sát đầu mõm. Có hai gai nhỏ (hình cựa) ở hai bên lỗ hậu môn. Trăn cộc có đầu màu vàng nhạt, một vệt xám đen chạy từ mõm bao hết phần má, môi trên và dưới kéo dài tới cổ. Lưng xám, chính giữa lưng có hàng chấm sáng lớn ở giữa sáng hơn, càng về cuối thân các vết đốm này kéo dài ra và nối lại với nhau, ở sườn có những đốm xám rất to. Chiều dài cơ thể tới 2m.
Python brongersmai có vùng phân bố hẹp ở miền Nam Việt Nam và phân bố khá rộng ở một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Indonesia. Loài trăn này không chỉ ngắn, mập mà còn có nhiều màu sắc phong phú trên từng cá thể như đen, đỏ thẫm, vàng ngọc và trắng với hoa văn rất lạ, đẹp.
Theo các tài liệu ghi lại, năm 1970 nhà động vật học Campden phát hiện và ghi nhận loài này được buôn bán ở Sài Gòn. Cho mãi đến năm 1977 Grandison cũng ghi nhận loài được nuôi ở Bình Thuận, TP.HCM và Cà Mau. Mới đây, năm 2005 nhà nghiên cứu bò sát, TS Nguyễn Quảng Trường cùng các đồng sự đã ghi nhận loài này được buôn bán và nuôi ở một số trại nuôi tại TP.HCM. Tuy nhiên, từ những dữ liệu rời rạc trên chưa thể khẳng định loài trăn cộc có vùng phân bố chính xác ở nước ta vì không ai nhìn thấy và thu mẫu ở rừng Việt Nam.
Theo SGTT