Bơi chèo kiểu chó, hay còn gọi là "bơi chó", là một trong những kiểu bơi cơ bản đầu tiên thường được dạy cho trẻ. Tuy nhiên, bất chấp việc là nguồn cảm hứng cho tên kiểu bơi cào và đập nước bằng cả tứ chi, các nhà nghiên cứu phát hiện, loài chó không hề bơi chèo dưới nước.
Thay vào đó, các chú khuyển luôn thực hiện một chu trình cử động chân phức tạp hơn dưới nước, nhằm tối đa hóa tốc độ của chúng khi di chuyển qua các sóng nước và giảm sức cản.
Các giả thuyết trước đây từng cho rằng, cử động của chó dưới nước gần giống việc chạy lon ton. Dẫu vậy, các nhà nghiên cứu đến từ Pennsylvania, Mỹ lần đầu tiên chứng minh rằng, cử động này giống cách chó chạy nhanh trên mặt đất hơn.
Giáo sư Frank Fish thuộc Đại học West Chester (Mỹ) đã sử dụng các camera dưới nước để quay phim 8 cá thể thuộc 6 giống chó khác nhau khi chúng bơi qua một bể bơi. Đoạn video đã được ghi với tốc độ 30 khung hình/giây nhằm khiến giáo sư Fish dễ dàng phân tích các cử động hơn.
Khi một con chó chạy lon ton trên cạn, các chân trước của nó sẽ đưa lên và xuống cùng lúc với một chân sau ở phía đối diện. Chẳng hạn như, chân trước ở bên trái sẽ đưa lên và xuống cùng lúc với chân sau ở bên phải.
Dẫu vậy, khi một con chó chạy nhanh trên mặt đất, để tăng tốc, các chân của nó dịch chuyển theo một chu trình phức tạp. Chân sau ở bên trái sẽ hạ xuống đất trước, tiếp sau là chân trước, bên trái, rồi đến chân sau, bên phải và cuối cùng là chân trước, bên phải. Chó càng chạy xa, các chân sẽ nâng – lên hạ xuống càng nhịp nhàng, cùng kiểu.
Giáo sư Fish và các cộng sự nhận thấy, cử động của các con chó dưới nước hầu như giống cách thức chúng chạy nhanh trên cạn, ngoại trừ một điểm: Mặc dù các chân trước vẫn được sử dụng để tạo lực đẩy, nhưng khi ở dưới nước, các chân sau được co kéo lại gần thên trước khi duỗi ra. Điều này nhằm giảm lực cản do các chân sau gây ra khi chân trước tạo lực đẩy.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố, bằng cách nghiên cứu các đặc điểm khi bơi của chó, họ có thể biết nhiều hơn về việc tiến hóa đã phân tách động vật có vú trên cạn và dưới nước như thế nào.
Theo VNN