Một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature Communications, cho biết, cá mú (grouper) và cá hồi san hô (coral trout) có thể đồng hành với những loài dưới biển khác để săn mồi.
Các loài dưới biển phối hợp với nhau để săn mồi.
Cá mú thường "cặp" với lươn biển moray và cá wrasse Napoleon, trong khi đó cá hồi san hô thì đồng hành với bạch tuộc để săn mồi. Các nhà khoa học thấy hai loài cá này có thể ám chỉ vị trí con mồi bằng cách dùng đầu hướng về đó, giúp bạn đồng hành của chúng phát hiện con mồi.
Sau khi theo dõi trong nhiều giờ, nhóm nghiên cứu thấy rằng, khi một con cá chạy trốn khỏi nhóm săn mồi, cá mú di chuyển đến nơi mà mục tiêu đang ẩn nấp. Chúng sẽ xoay thân cho đầu hạ thấp xuống, sau đó lắc đầu tới-lui hướng về phía con mồi để ra hiệu cho "đồng bọn". Cá hồi san hô cũng thực hiện động tác tương tự.
Cá mú đồng hành với lươn và cá wrasse Napoleon và sử dụng khả năng bơi cực nhanh để bắt mồi. Lươn mora khổng lồ, loài có thể trườn vào những hốc nhỏ, kết hợp với cá wrasse, loài có hàm khỏe nên có thể nghiền nát san hô để con mồi lộ ra. Cá hồi san hô hay phối hợp với bạch tuộc. Bộ đôi này có lợi thế trong những không gian chật hẹp.
Phát hiện mới cho thấy ngôn ngữ cử chỉ có thể tồn tại ở các loài khác chứ không giới hạn ở động vật linh trưởng hay quạ.
Theo VnE