Người ta thích nuôi ếch để chơi vì kích thước của chúng nhỏ bé, màu sắc của chúng đẹp đẽ, hình dáng chúng ngộ nghĩnh và điều kiện chăm sóc chúng đơn giản. Chúng dễ tính, ăn nhiều loại thức ăn và chẳng tốn kém như nuôi các sinh vật cảnh khác.
Ếch sừng Achentina (Ceratopphrys ornate)
Ếch sừng Achentina, sống ở những khu rừng mưa nhiệt đới tại Achentina, Braxin, Uruguay, được nuôi làm cảnh phổ biến ở những nước này và thường gọi là ếch Pacman. Màu sắc của chúng đẹp, dễ nuôi. Thức ăn của chúng là châu chấu, dế mèn và chuột nhắt.
Ễnh ương cầu vồng (Malagasy (Scaphiophryne gottlebei)
Ễnh ương cầu vồng là một trong những loài được ưa thích trong thế giới ếch Madagascar. Năm 2008, nó được bình chọn là loài lưỡng cư hiếm nhất và thú vị nhất hành tinh. Mỗi năm, hàng nghìn con được mua đi bán lại làm sinh vật cảnh.
Ễnh ương Pacman bạch tạng (Ceratophrys cranwelli)
Ễnh ương Pacman bạch tạng lưng màu vàng hoặc da cam cũng được nuôi nhiều. Chúng có chiều dài từ 8 đến 13 cm và nặng khoảng 0,5 kg. Chúng là loài ăn đêm, khi ngủ mở to mắt, phải nuôi trong môi trường ẩm ướt, ăn côn trùng, chuột nhắt và cá con. Khi chúng dưới 18 tháng tuổi, 2-3 ngày mới cho ăn một lần và sau đó 10-14 ngày mới phải cho ăn.
Chẫu chàng lộng lẫy (Litoria splendida)
Chẫu chàng lộng lẫy là họ hàng gần của ếch, sống trên cây và rất được người sưu tầm ưa chuộng. Chúng sống ở Australia, có kích thước đến 10,4cm. Da lưng màu ôliu đến xanh lục, bụng trắng, hai bên sườn và chân vàng nhạt. Một sự pha màu hài hòa của thiên nhiên.
Chẫu chàng xanh (Litoria caerulea)
Toàn thân màu lá cây tươi, điểm những đốm trắng, chẫu chàng xanh là một trong những sinh vật cảnh được nuôi nhiều nhất trên thế giới vì chúng “dễ bảo”, trông lại tựa như một nhân vật của phim hoạt hình. Quê hương của chúng cũng là Australia.
Chẫu chàng vằn (Hyperolius viridiflavus)
Ai đã thích bọn ếch nhái thì dứt khoát mê loài chẫu chàng vằn này. Bộ áo của chúng là một hoa văn độc đáo và đẹp mắt. Quê hương của chúng là Phi châu. Chúng có thể tự biến các cá thể cái thành đực nếu trong cộng đồng thiếu đực. Một hóa chất do chúng tiết ra chỉ huy việc biến hóa này.
Chẫu chàng xanh châu Mỹ (Hyla cinerea)
Chẫu chàng xanh châu Mỹ cũng rất phổ biến trong thế giới sinh vật cảnh. Chúng vốn sống trong vườn, đôi khi chẳng hiểu bằng cách nào chúng leo lên được cả mái nhà bắt côn trùng để ăn. Loài vật này luôn có sẵn ở những cửa hàng bán sinh vật cảnh vì chăm sóc chúng rất dễ. Chúng cần nhà nuôi khá rộng, có sẵn vỏ cây, sỏi đá hoặc giấy vụn trải trên sàn.
Nhái mắt đỏ (Agalychnis callidryas)
Đôi mắt màu đỏ lồi hẳn ra ngoài, những ngón chân màu da cam, thân là kết hợp của các màu vàng, da cam, xanh da trời và xanh lá mạ, nhái mắt đỏ là loài sống ở trên cây, xuất xứ từ Nam Mỹ, và không nghi ngờ gì nữa, là thành viên đẹp nhất trong họ hàng ếch nhái. Đa số những loài ếch nhái sặc sỡ đều độc nhưng nhái mắt đỏ lại không. Nó chỉ ngụy trang cho giống những đồng loại có nọc độc để tự vệ.
Nhái mắt đỏ (Litoria chloris)
Đây lại là một loài nhái mắt đỏ khác, vừa đẹp, vừa có ích. Chất từ da chúng tiết ra được dùng để giết chết virus HIV mà không đụng chạm gì đến tế bào T lành mạnh.
Cùng tên với loại nhái trên nhưng “quê hương” thì khác hẳn. Nếu loài trên “quê” Nam Mỹ thì loài này là "thổ dân" của Australia. Nó có màu xanh lá cây tươi với những đốm vàng, hai bên lườn vàng nhạt. Bốn chân trên xanh, dưới vàng hoặc trắng. Đùi xanh sẫm, tím hay đen. Mắt ở giữa vàng, xung quanh đỏ.
Nhái vượn cáo (Phyllomedusa tomopterna)
Con vật xinh đẹp này, dáng dấp hệt con vượn cáo (lemur), có thể tìm thấy ở các nước Nam Mỹ như Peru, Sirinam, Venezuela, Braxin, Colombia, Equador, Guyana thuộc Pháp. Nơi cư trú thiên nhiên của nhái vượn cáo là vùng rừng thấp, ẩm ướt nhiệt đới và cận nhiệt đới, vùng đầm lầy nhiệt đới và những vùng ao hồ nước ngọt xen nhau.
Cóc bụng lửa phương Đông (Bombina orientalis)
Con cóc bụng lửa phương Đông nhỏ bé nhưng nhiều màu sặc sỡ, sống ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga, được nuôi nhiều làm sinh vật cảnh ở trạng thái tự nhiên trên mặt đất và các vũng nước. Chúng rất hấp dẫn bởi lưng màu xanh lá cây tươi, vằn đen, hai bên sườn và bụng màu da cam tươi vằn đen. Loài cóc này rất độc. Chất độc có màu trắng như sữa, tiết ra từ da bụng khi cóc bị chọc giận hoặc sợ hãi.
Cóc cũng thường được nuôi ở Mỹ, thức ăn là dế, các côn trùng khác và giòi bọ.
Nhái phóng lao vàng (Atelopus zeteki)
Mặc dù nhái phóng lao vàng thuộc họ ếch nhái, nhưng lại được coi là loài vật có xương sống có nọc độc mạnh nhất thế giới. Người ta vẫn nuôi chúng làm sinh vật cảnh. Chúng thích nhất là chén ruồi đục quả (ruồi giấm), sâu róm, châu chấu, ấu trùng côn trùng…
Chẫu chàng Nhật Bản (Hyla japonica)
Chẫu chàng Nhật Bản, sống ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Hoa là “nhân vật” nổi tiếng trong họ ếch nhái, chỉ vì một đại diện của chúng được lên vũ trụ đầu tiên trên tàu không gian Mir của Nga khi anh phóng viên Toyohiro mang một con đi theo trong chuyến du hành vào tháng 12/1990.
Chẫu chàng Madagascan (Mantella madagascariensis)
Chẫu chàng Madagascar có bộ áo vàng đen loang lổ, không chỉ sống ở đảo quốc này mà còn ở những khu rừng ẩm ướt và sông suối một số khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Nhái xanh châu Mỹ (Cruziohyla calcarifer)
Nhái xanh châu Mỹ rất độc đáo vì mắt có hai màu, xám và vàng. Chúng không có màng lưới phủ mắt như họ hàng gần của chúng là loài Agalychnis. Chúng sống trên vùng lãnh thổ rộng là Trung Mỹ và phía Bắc của Nam Mỹ.
Ếch nâu lưng đốm (Heterixalus alboguttatus)
Trong họ hàng nhà ếch nhái, có lẽ ếch nâu lưng đốm là loài màu sắc đặc biệt nhất. Chúng sống trong vùng rừng thấp, ẩm ướt vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới hặc những vùng đầm lầy hay lụt lội.
Nhái hạt độc (Oophaga granuliferus)
Cặp mắt to màu đỏ chót, da nhiều màu pha trộn giữa màu đỏ cờ, màu xám đốm trắng, nhái độc hạt, xuất xứ từ Costa Rica và Panama chắc chắn là loài nhái đẹp nhất. Chúng cũng sống ở những vùng rừng thấp nhiệt đới và cận nhiệt đới ẩm thấp. Chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng do con người.
Ếch nhái và anh em họ hàng hiện đang là loài sinh vật cảnh được sưu tầm để nuôi chơi. Ở nhiều nước, một số người còn thành lập hội những người nuôi ếch nhái để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Theo Vietnamnet