Động vật có thể tiết ra chất lỏng có mùi khó chịu hay gây bỏng da như một thứ vũ khí tự vệ trước các loài ăn thịt.
Chồn hôi có lẽ là loài động vật nổi tiếng nhất sử dụng mùi hôi làm vũ khí. Chúng tạo ra khí độc từ hai tuyến ở mỗi bên hậu môn.
Bọ Bombardier Beetle là một trong những loài có mùi hôi thối đáng sợ nhất. Khi bị quấy rầy, nó phun chất có mùi hôi vào kẻ thù với độ chính xác cao. Ngoài mùi hôi, chất này tạo ra phản ứng hóa học, giải phóng nhiệt lượng đạt tới độ sôi của nước, ăn mòn da và gây đau đớn.
Chim Woodhoopoe sinh sống ở phía nam sa mạc Sahara, Châu Phi. Những con chim cái phun ra một loại dầu màu đen, có mùi hôi thối khi tổ của chúng bị đe dọa.
Chồn sọc Zorilla trông giống chồn hôi nhưng đây là hai loài động vật khác nhau. Chúng sử dụng màu lông tương tự như chồn hôi khiến kẻ thù phải tránh xa. Khí thải qua đường hậu môn khiến động vật ăn thịt tạm thời bị mù nếu trúng mắt, hoặc gây ra cảm giác nóng rát, đau đớn trên da.
Bọ xít (Stink bug) là họ côn trùng có hai tuyến trên ngực tiết mùi khó chịu.
Rắn King ratsnake đôi khi được gọi là "rắn bốc mùi" hay "nữ thần hôi thối". Tuyến sau hậu môn của con vật tạo ra mùi hăng mạnh, giúp bảo vệ cơ thể trước các mối đe dọa.
Không giống nhiều loài sinh vật khác, kền kền Thổ Nhĩ Kỳ không có tuyến chuyên sản xuất chất lỏng hôi thối. Thay vào đó, chúng nôn ra thức ăn trong dạ dày quanh tổ để tự vệ. Kền kền thường ăn thức ăn thối rữa nên những bãi nôn của chúng có mùi rất kinh khủng.
Nếu bị đe dọa, sâu tai (Earwig) sẽ phun ra nước có màu, mùi hôi thối. Chúng có khả năng phun chất lỏng và sử dụng những chiếc càng cùng một lúc.
Lửng mật (Honey badger) là loài động vật ăn thịt và thích ăn mật ong. Chúng có thể lộn túi hậu môn từ trong ra ngoài, tạo thành mùi hôi. Ngoài tác dụng răn đe động vật ăn thịt, mùi giúp con vật đi kiếm mật ong.
Cuốn chiếu (Millipede) tiết ra chất lỏng có mùi hôi thông qua các lỗ nhỏ (gọi là ozopore) dọc theo hai bên cơ thể. Chất lỏng tiết ra làm bỏng da kẻ thù khi tiếp xúc.
Theo VnE