Gương mặt méo mó lộ rõ vẻ kinh hoàng của xác ướp thôi thúc các nhà Ai Cập học tìm kiếm danh tính người chết suốt nhiều năm.

Năm 1881, các nhà khảo cổ học phát hiện 40 xác ướp trong một hang động kín đáo có mã số DB320 ở Deir El Bahri, cách thủ đô Cairo, Ai Cập 483 km về phía nam. Trong số này, họ tìm thấy một xác ướp vô danh không được mai táng theo đúng phong tục ở cuối căn hầm dốc đứng cao 14 m chứa vô số hành lang.

Khi mở lớp vải quấn quanh xác ướp vào năm 1886, họ vô cùng kinh ngạc khi trông thấy nét mặt kinh hoàng của người chết giống như đang la hét, theo Ancient Origins.

Xác ướp nằm trong một cỗ quan tài không có bất kỳ tên gọi hay dấu hiệu nhận dạng nào, nên các nhà khoa học không thể tiến hành nghiên cứu sâu hơn. Họ gọi xác ướp bằng cái tên "Người đàn ông vô danh E" hay còn gọi là "Xác ướp la hét", và đưa về lưu giữ ở Bảo tàng Cairo.

Ở thời điểm đó, giới nghiên cứu hầu như không chú ý đến "Người đàn ông vô danh E" bởi xác ông đặt cạnh nhiều vị vua nổi tiếng của Ai Cập như pharaoh Ramses II, pharaoh Seti I, và pharaoh Thutmose III. "Đây là những tên tuổi thực sự lớn trong lịch sử Ai Cập cổ đại", Dylan Bickerstaffe, nhà Ai Cập học kiêm cố vấn viên của kênh National Geographic, nhận xét.

Tất cả 40 xác ướp được chuyển đến hang từ những kim tự tháp trong Thung lũng các vị vua. Các chuyên gia cho rằng vào cuối thời Ramesside, nạn cướp mộ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng, đe dọa xác ướp hoàng tộc. Do đó, những thầy tu cấp bậc cao quyết định giấu hàng chục xác ướp ở địa điểm hẻo lánh.

Họ cất mọi vật giá trị chôn cùng xác ướp nhưng vẫn giữ lại tên gọi của người chết. Theo niềm tin của người Ai Cập cổ đại, một hài cốt không có tên gọi để nhận dạng không thể sang thế giới bên kia. Vì lý do này, một số chuyên gia kết luận "Người đàn ông vô danh E" nhiều khả năng bị nguyền rủa phải sống vĩnh viễn dưới địa ngục do quan tài của ông không có ký hiệu giúp xác định danh tính.

Năm 2008, một nhóm nhà Ai Cập học điều tra trường hợp của "Người đàn ông vô danh E" dưới sự hỗ trợ của kênh National Geographic. Trước khi nghiên cứu, họ đưa ra ba giả thuyết về danh tính của người chết. Theo một giả thuyết, "Xác ướp la hét" thuộc về một người Ai Cập giữ chức thống đốc. Những người hầu có thể đã chôn cất xác chết không theo đúng phong tục, dùng vôi sống để làm khô cơ thể và rải những mẩu da cừu, dê rải khắp thi thể chủ nhân.

Đối với người Ai Cập, cừu, dê là động vật dơ bẩn. Việc phủ da những loài vật này lên xác nhằm ngăn người chết sang thế giới bên kia. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, da cừu, dê là vật phổ biến trong phong tục chôn cất do chúng thường được sử dụng làm quần áo và chăn đắp. Nhóm nghiên cứu bác bỏ giả thuyết này bởi xác "Người đàn ông vô danh E" nằm cạnh những thành viên hoàng tộc và người chôn cất dường như cố ý không để lại dấu hiệu nhận dạng trên quan tài.

Giả thuyết thứ hai cho rằng "Người đàn ông vô danh E" là một hoàng tử ngoại quốc qua đời khi đang ở Ai Cập. Do xung đột giữa các quốc gia, xác vị hoàng tử không thể được chuyển về quê hương kịp thời, do đó người này được chôn tại Ai Cập. Tuy nhiên, giả thuyết này không giúp giải thích vị trí chôn cất xác và chủ ý không lưu lại danh tính của những người mai táng.

Bản chụp cắt lớp vi tính bộ xương cho thấy "Người đàn ông vô danh E" là người Ai Cập. Hộp sọ ông thậm chí có một số đặc trưng của hoàng tộc Ai Cập như hình dáng, kích thước, phần hộp sọ từ trán đến sau đầu dài và vết lõm ở đỉnh hộp sọ.

Nhóm nghiên cứu nghiêng về kết luận "Người đàn ông vô danh E" là một thành viên của hoàng tộc bị thất sủng ở thời điểm pharaoh Ramses III qua đời. Người này rất có thể là hoàng tử Pentewere, người con trai của pharaoh Ramses III bị buộc tội âm mưu giết cha. "Xác ướp này chịu tác động từ hai luồng tâm lý: một cố chối bỏ và một cố gìn giữ", Bob Brier, nhà khảo cổ ở Đại học Long Island, New York, Mỹ, người kiểm tra xác ướp năm nay, cho biết.

Các tài liệu ghi chép trên giấy cói kể về một phiên tòa diễn ra vào khoảng thế kỷ 12 trước Công nguyên. Tiye, người vợ cả của pharaoh Ramses III, bị buộc tội mưu đồ giết vua để đưa con trai Pentewere lên ngôi. Tiye và đồng phạm bị đưa đi hành quyết. Do có dòng dõi hoàng tộc, hoàng tử Pentewere được phép tự vẫn bằng cách uống thuốc độc. Một số nhà nghiên cứu tin rằng Tiye bị thất sủng do pharaoh Ramses cưới người vợ mới trẻ đẹp hơn. Sau khi Ramses III qua đời, con trai của người vợ thứ lên nối ngôi, lấy tên là Ramses IV. Ngôi mộ vô danh có thể là cách trừng phạt dành cho kẻ phạm tội phản nghịch.

Danh tính của "Người đàn ông vô danh E" thu hút nhiều sự quan tâm bởi vẻ mặt kinh hoàng của xác chết. Tuy nhiên, phần lớn các nhà Ai Cập học đều đồng ý nét mặt đáng sợ đó chỉ là kết quả do người chết ngã ngửa và đập đầu về phía sau. Các nhà khảo cổ dự định tiến hành kiểm tra ADN trong thời gian tới để xác định mối quan hệ giữa "Người đàn ông vô danh E" và pharaoh Ramses III. 

Theo VnE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *