"Napoleon Bonaparte – vị hoàng đế và thiên tài quân sự Pháp thế kỷ 19 – đã chết vì một nguyên nhân khá bình thường, chứ không phải do bị đầu độc", một nhóm các nhà khoa học quốc tế khẳng định.
Những giả thiết cho rằng Napoleon bị đầu độc bằng arsen được đưa ra từ năm 1961, khi người ta tìm thấy nhiều nguyên tố độc khi phân tích mẫu tóc của ông.
![]() |
Hoàng đế Napoleon Bonaparte |
Nhưng sau khi xem xét lại nội dung biên bản khám nghiệm tử thi của vị hoàng đế này vào năm 1821 – ngay sau khi ông qua đời – các chuyên gia đã đi tới kết luận cuối cùng rằng, ông chết vì ung thư dạ dày.
Biên bản khám nghiệm hồi đó miêu tả một khối u dài hơn 10 cm trong dạ dày Napoleon. Sau khi so sánh với những ca ung thư gần đây, tiến sĩ Robert M.Genta tại Đại học Texas Southwestern và một nhóm chuyên gia quốc tế nhận định rằng, một khối u lớn như thế không thể là u lành tính.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một khối u có kích thước như thế được xếp vào loại lành tính", Genta – giáo sư môn Bệnh học và Nội khoa – khẳng định.
Một phân tích khác cho thấy, bệnh ung thư dạ dày của vị hoàng đế Pháp đã tiến tới giai đoạn cuối – tức là vô phương cứu chữa đối với cả công nghệ y học tiên tiến nhất hiện nay. Những người mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn đó thường chết trong vòng chưa tới một năm.
Biên bản khám nghiệm tử thi năm 1821 ghi rằng, Napoleon đã sụt mất gần 10 kg trong những tháng cuối cùng của cuộc đời – một biểu hiệu của ung thư dạ dày. Ruột của ông cũng chứa một chất màu sẫm như cặn cà phê – dấu vết của tình trạng chảy máu dạ dày. Sự chảy máu tràn lan rất có thể đã trực tiếp gây ra cái chết, nhóm nghiên cứu của Genta kết luận.
Những biên bản ghi chép từ năm 1821 không đề cập tới những biểu hiện đặc trưng của một người tử vong vì arsen, chẳng hạn như hiện tượng đổi màu móng tay; sự xuất hiện của những vết thâm trên bàn tay và bàn chân; ung thư da, thận, phổi; tình trạng chảy máu ở vách ngăn của tim.
"Chúng tôi có những bằng chứng chống lại giả thiết cho rằng Napoleon bị đầu độc bằng arsen. Chúng tôi không thể loại trừ nó hoàn toàn, nhưng tôi tự tin khi nói rằng đó là điều không thể", Genta nói.
Tiến sĩ Steven B.Karch – một thành viên trong nhóm nghiên cứu – tin rằng Napoleon vẫn có thể bị giết chết bởi arsen hoặc một trong số nhiều loại thuốc mà ông uống trong những ngày cuối đời. Khi kết hợp với các chất khác hoặc hoạt động một mình, arsen có thể gây loạn nhịp tim – tình trạng có thể dẫn đến tử vong.
Napoleon qua đời ở tuổi 52 khi đang sống lưu vong trên đảo St.Helena ở phía Nam Đại Tây Dương. Ông bị đày ra hòn đảo này sau thất bại trong trận Waterloo lịch sử.
Một số nhà sử học cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy, cha đẻ của Napoleon cũng chết vì ung thư dạ dày hoặc một căn bệnh tương tự. Điều này cho thấy, việc vị hoàng đế Pháp tử vong vì ung thư là có cơ sở, vì căn bệnh này có tính di truyền. Nhưng Genta và nhóm nghiên cứu của ông không đồng ý với suy luận đó.
Hoàng đế Pháp có thể đã bị Helicobacter Pylori – vi khuẩn gây viêm loét dạ dày – tấn công trong một trong những chiến dịch quân sự của ông. Những bữa ăn nhiều thịt muối nhưng ít rau tươi trong những chiến dịch ấy đã tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập dạ dày ông.
Theo VnExpress