Cũng như ở Việt Nam và các nước châu Á, cây tre gắn bó rất lâu đời trong đời sống người Nhật Bản với những công dụng phổ biến của nó. Trong nghiên cứu về tre trên thế giới, sự kiện Hiroshima bị ném bom nguyên tử năm 1945 được quan tâm như một biểu hiện đặc trưng về sự chịu đựng của loài cây này: "Chỉ vài ngày sao trận bom, cả thành phố hầu như bị san bằng thì người ta đã phát hiện những cây măng mới trong một khu rừng nhỏ ở đó đã lên xanh!"
Nhạc cụ bằng tre
Nhạc cụ truyền thống tiêu biểu làm bằng tre ở Nhật là cây sáo Shakuhachi.
Du nhập vào Nhật từ Trung quốc khoảng cuối thế kỷ thứ VII, sáo trúc Shakuhachi phát triển ở Nhật như một nhạc cụ độc đáo, gợi lên một âm hưởng sâu lắng trong tâm hồn.
Sáo Shakuhachi làm từ giống tre Madake. Có bốn lổ để ấn các ngón tay phía trên và một lổ phía dưới để thổi. Sáo Shakuhachi trở thành mẫu mực xác định các nhạc cụ truyền thống với tiêu chuẩn chiều dài là 54,5 cm.
Tuy rất đơn giản, nhưng cây sáo Shakuhachi đòi hỏi người chơi phải rất thành thạo trong việc kiểm soát hơi thổi, tập trung cao độ sự chú ý không chỉ ở chiếc môi, cũng tương tự như thổi sáo của Việt Nam vậy!
Những món ăn từ măng ở Nhật
Cây măng tre rất có giá ở Nhật bởi hương vị thanh nhã, dáng vẻ mịn màng và là món ăn quan trọng có tính thời vụ của các đầu bếp Nhật. Măng cũng là món cung cấp nhiều chất carbohydrate, dầu thực vật, chất đạm và Vitamin B, giúp cho việc tuần hoàn máu…
Có rất nhiều cách chế biến các món ăn từ măng ở Nhật. Măng của giống tre Mosochiku là món thông dụng do nó lớn, đầy đặn, mềm và thơm hơn các loài măng khác.
Có những món thông dụng như: Măng hầm (Nimono), Măng nấu đậu tương (Dengaku), Măng nấu súp với ngọn sancho (Kimone-ae), Măng nướng (Yakimono), Măng tươi ăn sống (Shasuhimi), sup măng (Wanmono) và Măng hầm gạo (Takenoko-gohan).
Mì sợi làm bằng lúa mạch (soba) cũng là một món ăn truyền thống của người Nhật. Nó được đựng trong cái sàn bằng tre như người bạn không thể thiếu để luộc rồi ăn với các loại gia vị như củ cải, hành xanh… Các món ăn mì lạnh soba thường có bán ở các tiệm ăn Nhật Bản.
Tre và các lễ hội
Kado Matsu
Từ xa xưa, như đã nói, người Nhật tin rằng, các thần thánh trú ngụ trong ruột rỗng của cây tre. Cây tre rất được tôn kính cho nên không ai làm điều gì sai trái với nó. Do vậy, ngày nay cây tre cũng đóng vai trò không thể thiếu trong những lễ hội.
Đặc biệt, vật trang trí trong ngày đầu năm mới ở Nhật gọi là Kado-matsu, gồm có một cặp, đặt hai bên lối vào nhà người Nhật. Kado Matsu làm bằng tre, cây thông và mận được bện lại như một chiếc giỏ cắm những cành thông và tre. Chúng tượng trưng cho điều may mắn và hy vọng. Cây tre và cây thông luôn xanh tốt giữa mùa đông và cây mận là cây đầu tiên trổ hoa trong mùa Xuân. Phong tục này thể hiện niềm tin rằng, Koda Matsu đặt ở cửa nhà ở là để thần thánh mang lại điều tốt đẹp cho một năm mới đang bắt đầu.
Lễ hội Toka-Ebisu
Lễn hội này được tổ chức tại Imamiya Shrine, tỉnh Osaka từ ngày 8 đến 12 tháng Giêng hàng năm để cầu sự may mắn cho việc làm ăn. Tên của lễ hội này là phần quan trọng nhất của lễ Mồng 10 tháng Giêng. Trong lễ hội, mọi người đều mua Sasa (loại trúc nhỏ) đặt trên bàn thờ thần Shinto trong nhà mình để cầu lộc. Bình Sasa để trên bàn thờ cho đến lễ hội sang năm mới được thay.
Toka nghĩa là ngày thứ mười của tháng. Ebisu là một trong 7 vị thần may mắn được tôn kính như thần giám hộ việc làm ăn như vị thần tài trong văn hóa Trung Quốc.
Lễ Kanto
Kanto có nghĩa là cây sào tre và lồng đèn. Đây là lễ hội nổi bật nhất trong lễ Tanabata tại thành phố Akita, bởi như các hình ảnh đã cho thấy, các lồng đèn bằng giấy được treo lên trên những cây ngang được cột vào một chiếc sào tre dài.
Vào ban đêm trong những ngày hội, nhiều nhóm thiếu niên trong y phục truyền thống tranh nhau biểu diễn kỹ năng làm cho chiếc sào giữ được thăng bằng trên tay, vai, hông và trán trong lúc họ diễu hành quanh thành phố trong tiếng trống tiếng sáo trúc và những bài hợp ca…
Ngoài ra, ở Nhật còn có các lễ hội Tori-no-ichi tức biểu diễn gà trống vào mùa Thu và lễ hội Hama-ya vào mùa Đông cũng liên quan đến cây tre . Hama-ya nghĩa là vẻ đẹp của cung tên.
Tre và các môn thể thao
Do tính mềm dẽo dễ uốn và là một loại vật liệu bền như đã nói, cây tre không thể thiếu trong các bộ môn thể thao hiện đại bắt nguồn từ tinh thần nghệ thuật thượng võ của môn Kendo – một bộ môn đánh kiếm Nhật – và Kyudo – nghệ thuật bắn cung. Các môn thể thao mới này nhấn mạnh những nguyên tắc rèn luyện tinh thần hơn là chiến đấu. Chúng nhắm vào mục tiêu phát triển sự khéo léo, thông qua đó để thực hiện các chuẩn mực làm căn cứ thi đấu.
Bộ môn kiếm thuật (Kendo)
Trong Kendo hiện đại, cây gậy bằng tre được gọi là Shinai. Shinai là một ống hình trụ rỗng làm từ 4 thanh tre (thường là giống tre makede) buộc chặt lại bằng sợi dây da và bịt kín hai đầu. Các kiếm sĩ phải mang mạng che mặt, yếm che ngực, găng tay và đồ bảo vệ lưng. Họ được huấn luyện nhiều thao diễn về thế chém và tấn công đối phương. Âm thanh của ống tre rỗng gây ấn tượng và truyền cảm xúc mạnh mẽ theo tốc độ di chuyển của các kiếm sĩ.
Bộ môn bắn cung
Giống tre Mekeda được chọn lựa để chế tạo cánh cung và tre yadake dùng để vót mũi tên. Thông thường, người bắn cung giương cung lên và nhắm vào một vòng tròn đường kính khoảng 36cm là mục tiêu cách xa họ 28 mét.
Môn bắn cung Kyudo là phương thức rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần và tầm quan trọng được đặt vào vẻ đẹp của các nghi thức hơn là vào độ chính xác.
Theo Chudu24