Các chuyên gia phát hiện ra, chính sự hạn hán kéo dài là nguyên nhân khiến cho nền văn minh Maya suy tàn.
Sự sụp đổ của nền văn minh Maya cổ đại luôn là đề tài tìm hiểu của nhiều nhà khoa học. Nhóm các chuyên gia thuộc ĐH Rice và Đại học bang Louisiana cho rằng họ đã tiến gần hơn đến lời giải của bí ẩn này nhờ vào những bằng chứng thu thập được tại hố sụt Great Blue.
Hố Great Blue là hố nước ngầm dưới biển, cách bờ biển Belize khoảng 70km và nằm gần trung tâm đảo san hô Lighthouse. Hố sâu 124m, đường kính rộng khoảng 300m, được hình thành như một hệ thống hang động đá vôi trong những năm cuối của thời kỳ băng hà. Từ khoảng độ sâu 30 – 33m, sự hình thành đá vôi nơi đây ngày càng trở nên phức tạp.
Hố Great Blue.
Với việc phân tích những mẫu trầm tích thu được tại hố Great Blue, cụ thể là tìm hiểu màu sắc, kích thước, độ dày của lớp đất đá rồi so sánh với mẫu đá ở khu vực gắn liền với đất liền, các chuyên gia đã phát hiện sự khác biệt trong tỷ lệ titan với nhôm. Điều này giúp các nhà nghiên cứu có thể ước tính được lượng mưa ở khu vực này.
Phân tích kỹ hơn, các chuyên gia nhận thấy lượng mưa thấp đã gây ra một đợt hạn hán lớn ở khoảng thời gian từ năm 1000 – 1100 gây nên sự sụp đổ của thành phố Maya cổ đại – Chichen Itza.
Chính bởi lượng mưa giảm dần và thời tiết trở nên hanh khô hơn (khoảng năm 660), các nguồn tài nguyên trở nên cạn kiệt, những bất ổn chính trị đã xuất hiện và nổ ra chiến tranh, đế chế Maya dần suy tàn.
Và sau nhiều năm chống chọi với khó khăn, đợt hạn hán kéo dài gần một thế kỷ (từ năm 1000 tới năm 1100) đã đặt dấu chấm hết cho nền văn minh Maya cổ đại.
Tiến sĩ André Droxler – tác giả nghiên cứu cho biết: "Khi một trận hạn hán lớn xảy ra, nó sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ như nạn đói hay tình trạng bất ổn. Phát hiện này đã giúp chúng tôi hiểu hơn về việc thay đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào đến sự sụp đổ của nền văn minh Maya".
Theo Tri thức trẻ