Venice từng là thành phố giàu có, hùng mạnh nhất trên thế giới và là thành phố thịnh vượng nhất vùng Địa Trung Hải trong hàng ngàn năm qua. Hiện, nó thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Nhưng một ngày nào đó, Venice sẽ hoàn toàn chìm xuống vùng nước xung quanh. Đã đến lúc Venice giáp mặt với trận chiến quan trọng nhất trong lịch sử.
Ngày nay, hơn lúc nào hết, Venice đang bị đe dọa bởi lụt lội. Chính mối đe dọa này đã khiến các nhà khoa học trên khắp thế giới tìm cách chống lại thủy triều không ngừng dâng lên.
Kể từ thế kỷ thứ XVI, các chuyên gia đã tìm cách ngăn lụt ở vùng đầm phá này, nhưng mọi giải pháp đều không mang lại kết quả như mong muốn. Thành phố có lịch sử và nền văn hóa hàng ngàn năm – Venice phải đối mặt với sự tàn phá của nước.
Vấn đề cần tập trung giải quyết là tình trạng giao thông khá bất tiện và sự ô nhiễm do nước thải công nghiệp, hệ thống cống rãnh xuống cấp. Ngày nay, giải pháp thống nhất cho những vấn đề trên là thiết kế một đập ngăn nước dài 1,6 km để bảo vệ những gì đã làm cho thành phố nổi tiếng.
Venice có 250 dặm vuông đầm phá chung quanh thành phố. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Venice nằm trong vùng đầm phá lớn nhất ở Địa Trung Hải. Sự bào mòn của những đụn cát biển tự nhiên khiến đập ngăn và 3 cửa bảo vệ vùng đầm phá chịu tấn công của biển khơi và triều dâng không ổn định.
Vào cuối thời kỳ La Mã, dọc theo toàn bộ bờ biển, người Venice bắt đầu định cư trên vùng đầm lầy trải dài bao la, trên các con sông và các đảo nhỏ. Những gì tồn tại ngày nay là 3 phá nước độc lập gồm Grado, Venice và Comacchio.
Trong suốt quá trình lịch sử của Venice, nước biển là rào cản ngăn kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng đến đầu thế kỷ XVII, dân Venice nhận ra, họ phải chiến đấu chống lại sự tấn công của nước để bảo vệ thành phố.
Nước dâng cao là điều khiến thành phố Venice phải lo ngại. Quãng trường St Mark là nơi thấp nhất trong thành phố, nó sẽ bị ngập khi mực nước dâng lên 80 cm, tình trạng ngập nước sẽ có thể xảy ra 40 lần trong năm. Cách đây một thế kỷ, mực nước 100 cm rất hiếm khi xuất hiện, nhưng nay, nó xảy ra 7 lần trong 1 năm và làm ngập toàn bộ quãng trường.
Để bảo vệ quãng trường khỏi ngập, thành phố bắt đầu một số công việc tu bổ vào tháng 3/2003. Họ đã xây con đê chắn dài 150 m, sửa sang lại hệ thống cống thoát nước và phục hồi việc lát nền.
Chúng ta không thể nói được chính xác thành phố bị lún bao nhiêu, có thể là ít nhất khoảng nửa mét. Ngày nay, các bậc thềm để thuyền ghé vào đã chìm trong nước và phủ đầy rêu xanh. Mười bậc thềm bước ra nhà thờ Basilica ở quãng trường St Mark cũng thế. Khi nhà thờ Basilica được xây dựng cách đây 1.200 năm, nền của nó cao hơn mực nước biển 1,5 m nhưng ngày nay, nền đã ngập 18 cm. Có vẻ như thành phố Venice đã dần chìm xuống biển ngay từ khi nó mới xuất hiện, nhưng tại sao lại xuất hiện tình trạng này?
Khó tưởng tượng được nền của Venice chỉ toàn là bùn, nền phía trên là đá, nhưng bên dưới là một rừng thân gỗ. Nền bùn được gia cố bằng hàng ngàn cọc gỗ để đỡ toàn bộ thành phố. Đá lát trên đầu cọc gỗ ngăn cách bề mặt thành phố với nước biển. Mỗi năm vài ba lần, nước biển dâng lên khỏi mặt nền. Muối trong nước biển thấm vào tường, khi khô lại, nó có màu trắng, sau nhiều lần nước biển ngập, muối ăn sâu vào tường và lan rộng làm cho tường bị nứt. Dần dần, các bức tường trở nên giòn như bánh bisquy.
Giống như người Venice ở đất nước Italia, người Hà Lan cũng đã biết chống lại sự tàn phá của biển cả hàng trăm năm nay. Từ giữa thế kỷ XVII, nhờ gió, vùng đất thấp dưới mực nước biển được bơm tháo nước ra ngoài bằng các quạt gió. Gió thổi vào cánh quạt, bộ truyền động từ cánh quạt làm xoay những guồng kim loại đưa nước vào các đường rãnh trên đê bao được gia cố dẫn ra kênh.
Tháng 01/1953, những cơn gió với vận tốc 200 km/h, cộng với triều cường cao bất thường, đã làm vỡ đê, gây nên trận lụt chưa từng có trong lịch sử. Trận lụt đã khiến 1.835 người chết đuối và 70.000 người mất nhà cửa, 1/3 nước Hà Lan chìm trong biển nước. Để ngăn nước dâng lên, người Hà Lan đã làm một việc khiến Venice phải học hỏi. Từ năm 1997, một cổng chắn nước khổng lồ được xây dựng phía bắc Rotterdam, Hà Lan để ngăn nước từ biển Bắc, mỗi cánh cửa cao 237 m, chiều cao bằng tháp Eiffel.
Cổng chắn được hoàn tất trong một thời gian kỷ lục. Công việc tiến hành ngày đêm trong 6 năm để hoàn thành rào cản nước triều bằng bê tông. Nó cần chịu được lực tác động lên đến 30.000 tấn khi thủy triều đạt mức cao nhất. Cổng chắn này chưa được dùng lần nào, nhưng người ta dự đoán, nó sẽ được sử dụng 10 năm một lần. Thành phố Rotterdam ở Hà Lan nhờ vậy đã có thể ngủ yên giấc nhờ vào cổng cơ động ngăn nước tràn vào thành phố. Còn ở Venice của đất nước Italia, người ta đã có được giải pháp hữu hiệu nào đối với thành phố này?
Hồng Hậu