Bại trận – phục hồi – phát triển kinh tế thần tốc là những cột mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại Nhật Bản mà kiến trúc sư Tange Kenzo đã chứng kiến. Ông tự nhận, đó là những cơ hội thúc đẩy bản thân hoàn thành các dự án đầy hứng thú.

Tange Kenzo sinh năm 1913 tại thành phố Osaka, Nhật Bản, nhưng thời niên thiếu, ông sống chủ yếu tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Giai đoạn này, Thượng Hải được đánh giá là trung tâm thương mại lớn nhất Viễn Đông với các công trình kiến trúc đồ sộ ảnh hưởng phong cách phương Tây. Vẻ đẹp của Thượng Hải đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho cậu bé Tange.

Tange Kenzo – bậc thầy của kiến trúc hiện đại Nhật Bản

 

Đến năm tiểu học thứ 2, Tange quay trở lại Nhật Bản. Lúc này, cả gia đình Tange cư ngụ tại quê nội ở thành phố Ima-bari, thuộc tỉnh Ehime.

Mẹ của Tange là người rất quan tâm đến con đường học vấn của con cái, bà đã tìm mọi cách để cho con theo học tại trường tốt nhất ở địa phương. Ngay từ cấp tiểu học, Tange đã bộc lộ tố chất thông minh và là một trong những học sinh nổi bật của trường.

Năm 1930, sau khi hoàn tất chương trình trung học phổ thông, chàng thanh niên Tange cùng gia đình đến cư ngụ tại thành phố Hiro-shima. Tại đây, trong một dịp tình cờ, Tange được nhìn thấy một số hình ảnh thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng người Thụy Sỹ Le Corbusier. Trong số các tác phẩm của Le Corbusier, Tange chú ý nhất là bản thiết kế khu phức hợp “Cung điện Xô Viết” được đăng tải trên một tạp chí nghệ thuật nước ngoài vào năm 1931. Sau này, khi trở thành kiến trúc sư hàng đầu, Tange bộc bạch, thiết kế phần mái của “Cung điện Xô Viết” đã cuốn hút ông ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chính những tác phẩm của Le Corbusier – một kiến trúc sư theo đường lối đổi mới – là động lực thôi thúc Tange Kenzo theo đuổi ngành kiến trúc.

Bản thiết kế khu phức hợp “Cung điện Xô Viết” được đăng tải trên một tạp chí. Nếu như được xây dựng, đây sẽ là công trình cao nhất thế giới lúc bấy giờ

 

Để đạt được ước mơ trở thành kiến trúc sư, Tange phải trải qua chặng đường dài hết sức khó khăn. Phải mất 5 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tange mới có thể thi đậu vào khoa kiến trúc của trường Đại học Tokyo. Vào thời điểm này, Tange nhận thấy rằng, nền kiến trúc Nhật Bản hầu như không có gì nổi bật, vì vậy, ông mong muốn tạo nên một sự đột phá.

Phong cách sáng tác của Tange Kenzo là chú trọng sự đơn giản và tao nhã, phối hợp hài hòa giữa các yếu tố thẩm mỹ của phương Tây và nét đặc trưng trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản. Ngoài ra, Tange cũng được biết đến với chủ trương lượt bỏ triệt để các chi tiết có thể gây lãng phí để cho ra đời những tác phẩm hoàn thiện về thẩm mỹ, kỹ thuật lẫn công năng sử dụng.

Năm 1942, khi đang làm việc với vai trò là trợ giảng tại Đại học Tokyo, Tange đã tham gia cuộc thi thiết kế “Tòa nhà tưởng niệm khu vực thịnh vượng chung Đại Đông Á” và giành giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp. Ý tưởng của Tange là tạo dựng một công trình kiến trúc đậm chất truyền thống bên dưới chân núi Phú Sĩ.

Trong bản thiết kế, thành phố hiện đại Tokyo được nối liền với núi Phú Sĩ bằng một tuyến đường thẳng. Trung tâm của sự liên kết này là tòa nhà tưởng niệm pha trộn giữa kiểu nhà truyền thống mái dốc của người Nhật và kiến trúc đền thờ Thần Đạo. Vì nhiều lí do, công trình không được khởi công xây dựng nhưng giải thưởng thiết kế khiến nhiều người chú ý đến tên tuổi của Tange Kenzo.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *