Nhắc đến Australia, người ta hay nghĩ đến chuột túi, gấu koala, các loài chim hay các loài bò sát nhưng ít ai biết đến cóc mía – loài vật đã gây nhiều ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cuộc sống của con người nơi đây.
Cóc mía có tên khoa học là Bufo marinus, thể hình to lớn hơn các loài cóc khác, khắp nơi trên cơ thể chúng đều có thể tiết ra chất độc. Chúng không phải là động vật bản xứ Australia mà có nguồn gốc từ châu Mỹ. Cóc mía có thể ăn bất cứ thứ gì, bắt mồi rất nhanh và chính xác. Cóc mía có thể phóng lưỡi ra bắt mồi với vận tốc 3 mét/giây. Nọc độc trên cơ thể của chúng nhiều đến nỗi cặp mắt cũng chứa đầy chất độc. Chính vì vậy mà những con vật vô tình ăn phải cóc mía đều bị trúng độc, nguy hiểm đến tính mạng.
Để tự vệ trước các loài vật to lớn khác, cóc mía sở hữu một hệ thống tiết ra chất độc phủ khắp cơ thể từ các nốt u dưới da của chúng. Lượng chất độc mà một con cóc mía tiết ra đủ giết chết một con cá sấu trưởng thành. Không chỉ có chất độc trên cơ thể, cóc mía còn có bản tính kết đoàn với nhau, làm nên một đội quân hùng mạnh khiến kẻ khác phải khiếp sợ.
Năm 1935, cóc mía bắt đầu đến với vùng đất Australia. Sau khi thích nghi với nơi ở mới, loài vật nguy hiểm này bắt đầu uy hiếp hệ sinh thái Australia. Chỉ trong khoảng 70 năm xuất hiện trên vùng đất này, chúng đã trở thành nỗi khiếp sợ cho nhiều loài vật. Chúng ăn sạch những con mồi hay cây cỏ trên đường chúng đi qua. Dần dần, chúng đã đuổi các loài vật bản địa đi nơi khác và biến gần 1.300.000 km2 diện tích Australia thành lãnh địa của mình.
Cóc mía không chỉ đe dọa nhiều loài động, thực vật hoang dã, mà chúng còn tấn công nhà cửa con người. Chất độc của chúng khó thấm qua da con người nhưng nếu vô tình ăn phải, có thể dẫn đến tử vong.
Tiết trời nóng bức của mùa hè thường làm mất đi 50% lượng nước trong cơ thể của cóc mía. Để sinh tồn qua mùa nóng, cóc mía thường tìm những nơi đất xốp, có bóng mát rồi vùi mình xuống đất nhằm làm mát và ngăn chặn sự mất nước trong cơ thể. Sau khi mùa khô hạn kết thúc, những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, cóc mía sẽ nạp được lượng nước cần thiết vào cơ thể và khi đó, chúng sẽ hoạt động dữ dội hơn.
Mặc dù loài cóc mía ngày nay đã gây nên nỗi sợ hãi cho nhiều người dân ở Australia nhưng trước đó, chúng từng được xem là những vị anh hùng cứu giúp Australia.
Năm 1935, các trang trại mía ở Autralia giảm năng suất nghiêm trọng, thậm chí là chết héo do một loại côn trùng phá hoại. Australia đã dùng nhiều cách tiêu diệt và ngăn chặn loại côn trùng đó phát triển trên cây mía nhưng đều thất bại. Sau cùng, các nhà khoa học đưa ra giải pháp là mang loài cóc xấu xí, to lớn, có xuất xứ từ châu Mỹ đến để ăn côn trùng trên mía. Lúc bấy giờ, ai cũng cho rằng, đây là cách giải quyết hiệu quả nhất. Các nhà khoa học Australia đã mang về nước 102 con cóc mía và tiến hành nhân giống để thả ở nhiều nơi.
Kết quả là, lũ cóc đã không thể bắt hết loại côn trùng hại mía đó mà trái lại, chúng chuyển sang ăn các loại côn trùng khác. Cuộc thử nghiệm với loài cóc mía của các nhà khoa học xem như thất bại hoàn toàn. Sau đó, người ta quyết định sử dụng thuốc trừ sâu để giải quyết nạn côn trùng hại mía và người Australia đã quên mất sự hiện diện của những vị khách lạ đến từ châu Mỹ này. Cũng từ đấy, cơn ác mộng từ cóc mía bắt đầu diễn ra.
Loài cóc mía có khả năng sinh tồn mạnh mẽ vượt xa sức tưởng tượng của các nhà khoa học. Thời gian kết bạn của chúng diễn ra rất dài, tốc độ sinh sản của loài cóc mía ở Australia rất nhanh. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, từ 102 con cóc mía được mang về ban đầu, số lượng của chúng đã tăng đến hàng triệu con. Trong buồng trứng của mỗi con cóc mía cái có đến hàng chục ngàn trứng trong khi ở các loài cóc, ếch khác, số lượng này thường chỉ khoảng vài ngàn trứng.
Ngoài ra, trong cuộc đời, cóc mía có thể sinh đến 15 lần, thời gian trứng cóc nở thành nòng nọc chỉ là 3 ngày và 4 tuần sau, nòng nọc sẽ phát triển thành cóc con. Cho dù là trứng, nòng nọc, cóc con hay cóc trưởng thành thì trên cơ thể của chúng đều có chứa lượng chất độc rất nguy hiểm. Trong bất kỳ giai đoạn nào, cóc mía cũng có thể gây ngộ độc cho các loài vật nào ăn phải chúng.
Mỗi năm, có hàng tỉ trứng cóc được sinh ra. Tuy số lượng trứng có thể phát triển thành cóc trưởng thành không nhiều nhưng số lượng cóc mía ở Autralia vẫn tăng hàng năm đến 20%. Trong quá trình trưởng thành, tuyến độc của chúng cũng phát triển cho đến khi phủ khắp toàn thân. Những nốt đen trên da chính là vị trí tiết dịch độc của cóc mía. Khi bị nguy hiểm, cóc mía sẽ bắn chất độc ra ngoài, đôi khi chất độc có thể đi xa đến 1 mét.
Một trong những cách giúp khống chế số lượng cóc mía có hiệu quả nhất mà các nhà khoa học đã phát hiện là cho chúng tự tàn sát lẫn nhau. Cóc mía là loài vật rất tham ăn nên chúng có thể ăn cả thịt đồng loại. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả vì cóc mía có khả năng miễn dịch với chất độc của chúng nên những con cóc lớn thường xuyên bắt cóc con ăn thịt mà vẫn không ảnh hưởng đến tính mạng.
Gia Nữ