Múa lân sư được xem là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Trung Quốc. Người ta tin rằng, múa lân sư trong các dịp Tết hay lễ hội sẽ mang lại sự thịnh vượng, phát đạt và hạnh phúc.
Múa lân sư ra đời cách đây khoảng 1.500 năm và được lưu truyền cho đến ngày nay. Kỹ thuật múa này đòi hỏi người biểu diễn phải nhảy lên dàn Mai Hoa Thung cao và phải di chuyển nhanh từ trụ này sang trụ khác. Có thể nói, người Trung Quốc đứng hàng đầu trong lĩnh vực múa lân sư.
Thị trấn nhỏ Wenche ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là cái nôi của nghệ thuật múa lân sư ở Trung Quốc.
Múa lân sư cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hai người. Các động tác của cả hai phải thật nhịp nhàng và hoàn hảo. Điểm quan trọng của múa lân sư là đòi hỏi người múa phải có kỹ thuật hoàn hảo khi nhảy trên những trụ cao của dàn Mai Hoa Thung.
Dàn Mai Hoa Thung rất cao và đòi hỏi người múa lân sư phải nhảy lên trên cột trụ này, nó cao khoảng 1,73 mét. Trên mỗi cây trụ là tấm thép có đường kính 37 cm. Mỗi đầu sư thường nặng 4kg. Độ khó của Mai Hoa Thung là hai diễn viên phải thực hiện các động tác phức tạp và nguy hiểm ở đầu lân và đuôi lân, điều này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa hai người diễn theo nhịp trống, giữa họ với người đánh trống.
Phía trong đầu lân sư là những bộ phận điều khiển. Diễn viên múa phải mất nhiều thời gian học hỏi và luyện tập mới có thể điều khiển được, đặc biệt là đối với những người múa lân sư trên dàn Mai Hoa Thung. Để trở thành một diễn viên múa lân sư chuyên nghiệp, diễn viên thường phải mất đến 10 năm khổ luyện.
Múa lân sư trên dàn Mai Hoa Thung được xem là nghề nguy hiểm và dễ gây tai nạn vì thế đòi hỏi các diễn viên phải ra sức tập luyện để tích lũy nhiều kinh nghiệm.
Hồng Hậu