Hiện nay, trên khắp nước Nhật vẫn tồn tại những đội cứu hỏa hoạt động theo tinh thần của Machi-bikeshi. Những đội cứu hỏa địa phương qui mô nhỏ hình thành từ quần chúng rất có ích tại các vùng nông thôn. Họ luôn có mặt ngay tức thì khi hỏa hoạn xảy ra, dập tắt những đám cháy qui mô nhỏ. Có trên 20.000 đội cứu hỏa địa phương với 900.000 người tham gia đang hoạt động trên khắp Nhật Bản.

Hoạt động dập tắt lửa rất cần đến những người có tinh thần vững vàng

Mỗi đội cứu hỏa địa phương chỉ có vài thành viên, tất cả đều là những người tự nguyện. Tuy là lực lượng cứu hỏa không chuyên, nhưng họ thường xuyên trải qua các khóa huấn luyện nghiệp vụ nhằm nâng cao kỹ năng xử lí tình huống. Ngoài ra, họ còn phải luyện tập đều đặn. Kỹ năng quan trọng mà lính cứu hỏa cần nắm vững là nhắm vòi rồng đúng mục tiêu.

Vào tháng 11 hàng năm, ngành cứu hỏa Nhật Bản đều tổ chức cuộc thi kỹ năng dành cho những đội cứu hỏa địa phương trên khắp cả nước. Cuộc thi qui tụ khoảng 47 đội cứu hỏa đại diện cho 47 tỉnh của nước Nhật tham dự. Các thí sinh cạnh tranh nhau trên nhiều nội dung thi đấu, từ vận tốc chạy đến kỹ năng chuẩn bị dụng cụ cứu hỏa nhanh chóng và xử lí tình huống chính xác, nhanh chóng. Cuộc thi có ý nghĩa rất quan trọng, nó tôn vinh những đóng góp của các đội cứu hỏa địa phương, đồng thời, cổ vũ mọi người duy trì tinh thần Machi-bikeshi trong cộng đồng.

Tại Nhật, để trở thành một người lính cứu hỏa không hề đơn giản. Học viên phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian luyện tập trong các khóa huấn luyện nghiêm khắc tại trường đào tạo lính cứu hỏa. Trường đào tạo lính cứu hỏa chú trọng đặc biệt đến công tác huấn luyện thực tế. Do đó, các học viên thường xuyên phải đối mặt với những buổi lên lớp căng thẳng cùng sức nóng của lửa, giúp các học viên có kinh nghiệm ứng phó và rèn luyện tinh thần thép.

Tại Nhật, để trở thành một người lính cứu hỏa không hề đơn giản

Hoạt động dập tắt lửa rất cần đến những người có tinh thần vững vàng. Do đó, rèn luyện tinh thần thép là yếu tố hàng đầu của các trường đào tạo cứu hỏa. Một trong những cách tốt nhất để học viên có được tố chất này là học kiếm đạo. Kiếm đạo có nguồn gốc từ tầng lớp võ sĩ đạo samurai, vì vậy, tinh thần Bushido tức tinh thần võ sĩ đạo được kiếm đạo lĩnh hội và duy trì một cách mạnh mẽ. Tinh thần võ sĩ đạo dạy các samurai sống mà không quan tâm đến cái chết. Họ sống một cuộc sống khổ hạnh, trao dồi tu dưỡng tư tưởng và dâng hiến bản thân mình cho cái hay, cái đẹp của võ đạo. Trong trường hợp khẩn cấp, người võ sĩ sẵn sàng dâng hiến sinh mạng của mình cho chủ nhân, gia tộc.

Học viên của các trường đào tạo lính cứu hỏa ở Nhật sống tập trung ngay tại kí túc xá của trường. Ngoài giờ lên lớp, mọi sinh hoạt của họ đều tuân thủ theo qui định. Phương pháp giáo dục nghiêm khắc này đã tạo nên đội ngũ lính cứu hỏa Nhật Bản vừa thành thạo kỹ năng tác nghiệp vừa vững vàng xử lí tình huống, quả cảm trong công việc.

Lễ hội dành cho những người lính cứu hỏa

Lực lượng cứu hỏa Nhật Bản được chia ra làm hai bộ phận: bộ phận chuyên đảm trách công việc chữa cháy và bộ phận còn lại tham gia cứu hộ khi xảy ra tai nạn và thảm họa tự nhiên.

Là một đất nước thường xuyên đối mặt với tai họa từ tự nhiên như núi lửa, động đất, hỏa hoạn… nên lực lượng cứu hỏa Nhật Bản luôn được chú trọng cải tiến về trình độ chuyên môn cũng như trang thiết bị. Các sáng kiến mới cũng được áp dụng, trong đó có việc sử dụng robot điều khiển từ xa để hỗ trợ công tác ứng cứu nạn nhân gặp nạn.

Được hình thành từ thời Edo đến nay, lực lượng cứu hỏa Nhật Bản đã hoàn thiện với những kỹ năng vững chắc của nhân lực cũng như thiết bị hiện đại, tiên tiến. Họ đã có đóng góp rất lớn cho công tác giải quyết thảm họa trong nước và cả quốc tế.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *