Khi hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, loài giun đất khổng lồ Palouse đã tuyệt diệt thì mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã tái phát hiện 2 chú giun đất khổng lồ tại khu vực biên giới bang Washington và Idaho.
![]() |
Chú giun Palouse trưởng thành vừa được các nhà khoa học tìm thấy tại biên giới bang Washington và Idaho. Ảnh: NPR |
Trong mấy chục năm trở lại đây, loài giun đất khổng lồ Palouse trong truyền thuyết luôn là đối tượng hấp dẫn đối với các nhà khoa học. Trước đây, có thông tin cho rằng, loài giun đất Palouse sống ở khu vực nông nghiệp thuộc vùng biên giới bang Idaho nước Mỹ.
Loài giun đất này được coi là khổng lồ với chiều dài có thể lên tới 0,91m. Người ta còn nói rằng, loài giun Palouse thích nhả dãi và đặc biệt là từ cơ thể nó tỏa ra mùi hương của hoa huệ tây.
Tuy nhiên, việc phát hiện 2 con giun đất Palouse mới đây đã phá vỡ hoàn toàn những miêu tả trong truyền thuyết. Loài giun đất Palouse không nhả dãi, cũng chẳng hề tỏa ra mùi hương hoa huệ tây. Ngoài ra, cơ thể chúng cũng không lấy gì làm “khổng lồ” cho lắm.
Jodi Johnson Maynard, một nhà Thổ nhưỡng học, thuộc Đại học Idaho, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Một đồng sự đã kiến nghị nên đổi tên cho loài giun đất này, gọi nó là loài giun đất lớn hơn loài giun Palouse một chút”.
Trong số 2 chú giun đất huyền thoại vừa được tìm thấy, có một con giun đã trưởng thành. Chiều dài khi duỗi ra đến mức tối đa của con giun trưởng thành này khoảng 25,4 – 30,5 cm. Con giun còn lại còn nhỏ hơn, chiều dài đo được chỉ khoảng 15,2 – 17,8 cm. Như vậy, loài giun này hoàn toàn không “khổng lồ” như báo chí đã đưa trước đây.
![]() |
Không giống như trong "truyền thuyết" hai chú giun Palouse vừa mới phát hiện chỉ có chiều dài từ 15 – 30 cm. Ảnh: THX |
Loài giun đất này có cơ thể trong suốt. Bằng mắt thường, người ta có thể nhìn thấy các bộ phận cơ quan bên trong cơ thể. Đầu của loài giun này có màu hồng, đuôi phình ra hình củ. Ở những con trưởng thành, ở đầu của chúng có một vòng màu vàng.
Hai con giun đất trong truyền thuyết này được Shan Xu, một học sinh của trường đại học Idaho và Karl Umiker, nhà khoa học của trường này cùng phát hiện vào ngày 27/03. Hôm đó, họ còn phát hiện được 3 kén giun, hai trong 3 đã hóa trứng và có vẻ như đều là loài giun khổng lồ Palouse trong truyền thuyết.
Bài báo đầu tiên về loài giun khổng lồ Palouse là của Frank Smith đăng trên tạp chí “The American Naturalist” vào năm 1897. Tuy nhiên, theo sự phát triển nền đại công nghiệp ở Palouse, môi trường sống của loài giun đất này cũng bị biến mất dần.
Cho đến những năm cuối thập kỷ 80, James Johnson một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Idaho đã tìm thấy 2 con giun đất Palouse tại một cánh rừng thứ sinh ở khu vực gần thành phố Moscow. Từ đó về sau, loài giun đất này thực sự đã trở thành một truyền thuyết.
Loài giun Palouse bị cho là đã tuyệt chủng cho đến năm 2005, khi Yaniria Sanchez-de Leon, một sinh viên của trường Đại học Idaho đã tìm thấy một tiêu bản giun Palouse ở gần Albion. Tuy nhiên, con giun đất này đã bị cắt đôi do Yaniria đào bới để tìm kiếm.
Sau phát hiện năm 2005, các nhóm bảo tồn đã gửi đơn lên Cơ quan Bảo vệ cá và động vật hoang dã (FWS) để đưa loài giun đất này vào danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cần phải bảo vệ. Tuy nhiên, cơ quan này nói rằng, không đủ những chứng cứ khoa học để đưa loài giun này vào danh sách bảo vệ.
Hầu hết giun đất được tìm thấy ở vùng Tây Bắc nước Mỹ đều có nguồn gốc từ châu Âu. Tuy nhiên, loài giun đất Palouse lại là một trong số ít loài có nguồn gốc bản địa.
"Điều quan trọng nhất trong phát hiện lần này là chúng tôi đã có được một tiêu bản sống hoàn chỉnh. Từ đó, chúng tôi có thể lấy được ADN của chúng và tiến hành những miêu tả phân loại”, Johnson-Maynard nói.
Hiện tại con trưởng thành đã được chuyên gia về giun đất ở trường Đại học Kansas, Sam James tiến hành giải phẫu. Còn con nhỏ đang được nuôi sống ở trường Đại học Idaho. Tại đây ADN của nó sẽ được sử dụng để kiểm định những tiêu bản mới.
Theo VNN