Các nhà khảo cổ học vừa khai quật được khu lăng mộ chứa đầy báu vật của một vị hoàng tử Celtic, thời kỳ đồ Sắt ở một thị trấn nhỏ của Pháp.

Khu lăng mộ "khác thường" với rất nhiều đồ tạo tác của Hy Lạp và Etruria, được phát hiện tại một khu buôn bán ở ngoại ô thị trấn Lavau thuộc vùng Champagne của Pháp. Vị hoàng tử đã được chôn cất cùng với chiếc xe ngựa của mình ở trung tâm một gò đất lớn, có chiều rộng khoảng 40 mét.

Một nhóm chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu khảo cổ học quốc gia Pháp (Inrap) đã tiến hành khai quật khu vực trên kể từ tháng 10 năm ngoái. Họ gần đây mới xác định được, khu lăng mộ này có niên đại vào khoảng cuối thời kỳ đồ Sắt thứ nhất – giai đoạn đặc trưng bằng việc sử dụng rộng rãi công cụ bằng sắt, vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.

Theo báo cáo nghiên cứu, ở trung tâm khu chôn cất 2.500 năm tuổi là một phòng an táng có diện tích 14m2 dành cho một thành viên hoàng gia cổ xưa. "Đó có thể là một vị hoàng tử Celtic bản địa", chủ tịch Inrap Dominique Garcia tuyên bố trước báo giới trong một chuyến thị sát khu khảo cổ.

Ông Garcia nói thêm rằng, phát hiện thú vị nhất tại di tích là một chiếc vạc lớn được trang trí bằng đồng, từng được sử dụng để đựng rượu. Món đồ tạo tác này dường như là sản phẩm của các thợ thủ công Etruria đến từ một vùng hiện thuộc Italia.

Chiếc vạc cổ có 4 tay cầm hình tròn, được trang trí hình đầu vị thần sông Acheloos của Hy Lạp. Thần sông được khắc họa có sừng, đôi tai của bò rừng và mọc râu, ria. Ngoài ra, các góc của vạc cổ còn được trang trí bằng đầu của 8 con sư tử cái.

Nhóm khảo cổ cũng khai quật được một vò đựng rượu bằng gốm của Hy Lạp. Các hình trang trí trên món đồ này hé lộ hình ảnh thần rượu nho Dionysus đang nằm dưới một cây nho và ngược nhìn một phụ nữ.

Các chuyên gia còn tìm thấy phần còn lại của một bánh xe bằng sắt, từ chiếc xe ngựa được chôn cùng với hoàng tử., và một chiếc thìa bạc đục lỗ, được cho là để lọc rượu vang. Tất cả chúng là bằng chứng về sự giao thương đã xảy ra giữa người Celtic và người Địa Trung Hải, theo ông Garcia.

Đại diện Inrap cho biết thêm rằng, phòng an táng của hoàng tử Celtic là một trong những căn phòng an táng lớn nhất thời kỳ đồ Sắt từng được ghi nhận. Cuối thế kỷ thứ 6 đến đầu thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên là giai đoạn chứng kiến sự trỗi dậy của các thành bang Etruria và Hy Lạp như Marseilles ở miền nam nước Pháp.

Các thương gia Địa Trung Hải, vốn tìm kiếm nô lệ, kim loại và các hàng hóa quý hiếm khác, đã mở các kênh giao thương với người Celtic ở châu Âu. Người Celtic do đó đã thu mua hoặc đổi chác được những đồ vật giá trị, có nguồn gốc từ Etruria và Hy Lạp. Rất nhiều món đồ như vậy từng được phát hiện ở các gò chôn cất khác ở Heuneburg và Hochdorf ở Đức.

Nhóm nghiên cứu, việc khai quật khu lăng mộ của hoàng tử Celtic dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng này.

Theo VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *