Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện ngôi mộ của một bà hoàng Ai Cập chưa từng được biết đến trước đây, tại một khu nghĩa địa kim tự tháp ở tây nam Cairo.
Cận cảnh ngôi mộ của bà hoàng Ai Cập chưa từng được biết đến trước đây
Bà hoàng được tin là vợ của pharaoh Neferefre, hay còn được biết đến với tên gọi Hoàng đế Raneferef, người trị vì Ai Cập cách đây gần 4.500 năm. Mộ của bà được phát hiện trong khu liên hợp an táng Neferefre ở Abu Sur, nghĩa địa dành riêng cho các pharaoh thuộc triều đại thứ 5 của Vương quốc cổ xưa (từ năm 2494 đến năm 2345 trước Công nguyên).
Bộ trưởng phụ trách di tích và đồ cổ Ai Cập Mamdouh al-Damaty cho biết, đây là lần đầu tiên họ khám phá ra tên của một bà hoàng chỉ được biến đến mãi khi mộ phần được tìm thấy. Theo ông al-Damaty, tên của bà hoàng được ghi trong mộ là Khentakawess, nhưng bà thực tế là Khentakawess III do cùng tên với 2 bà hoàng trước đó.
Tên và địa vị của bà hoàng Khentakawess III có thể do chính các thợ xây khắc tạc vào các bức tường bên trong hầm mộ. Ngoài việc là "vợ của vua", các dòng chữ khắc còn miêu tả bà hoàng là "mẹ của vua", nhiều khả năng ám chỉ đến pharaoh Menkauhor Kaiu, vị hoàng đế thứ 7 của triều đại thứ 5, trị vì Ai Cập từ khoảng năm 2422 đến năm 2414 trước Công nguyên.
Các nhà nghiên cứu cho biết, phần phía trên mặt đất của ngôi mộ bao gồm một nhà mồ – một cấu trúc hình chữ nhật mái bằng với các bên được xây bằng gạch hoặc đá, và một nhà thờ với 2 cánh cửa giả ở bức tường phía tây. Phần nằm dưới mặt đất của ngôi mộ bao gồm một phòng chôn cất thông với phía trên qua một đường hầm sâu gần 3 mét.
Mặc dù những kẻ đào trộm mộ đã tấn công nơi an nghỉ của bà hoàng Khentakawess III nhưng các chuyên gia khảo cổ vẫn phát hiện 24 món đồ dùng bằng đá vôi và đồng.
Theo báo Huffington Post, kim tự tháp của pharaoh Neferefre chưa bao giờ được hoàn thiện, có lẽ vì thời gian trị vì của ông chỉ kéo dài 2 – 3 năm.
Theo VNN