Chúng ta vẫn thường thắc mắc làm thế nào mà những cư dân cổ đại có thể di chuyển đến các vùng đất xa xôi nhất của thế giới mà không cần đến phương tiện hiện đại như máy bay, tàu thuyền, thậm chí là GPS. Và giờ đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra manh mối mới để giải quyết thắc mắc đó.
Theo Science Alert đưa tin, nghiên cứu tập trung tìm hiểu về một trong những vùng đất xa xôi nhất, Châu Đại Dương, nơi có dấu hiệu sinh sống của con người vào khoảng 3400 năm trước.
Cư dân ở các vùng đảo xa của Indonesia.
Bằng phương pháp thống kê, phân tích và mô hình hóa máy tính, các nhà nghiên cứu đã xác định được những tuyến đường dẫn đến các đảo Tonga, Samoa, Hawaii, Micronesia và Fiji ngày nay. Đồng thời họ cũng phác họa được những chuyến hải trình thời xa xưa đã diễn ra như thế nào, từ đó cho thấy tổ tiên chúng ta đã biết rất rõ về các chu kỳ thời tiết.
"Chúng tôi đã tổng hợp nhiều dữ liệu thời tiết và chạy mô phỏng nhiều mô hình để tìm ra các tuyến đường và điểm xuất phát của những người di dân cổ xưa", nhà nhân chủng học Scott Fitzpatrick, Đại Học Oregon phát biểu.
Fitzpatrick và cộng sự đã cố gắng tìm ra con đường di cư thuận lợi nhất có thể và phát hiện ra rằng những đợt El Nino (một trong những hiện tượng thời tiết bất thường gây thảm họa cho con người từ hơn 5000 năm nay) của vùng biển Nam Thái Bình Dương đóng vai trò rất quan trọng.
Bản đồ kết hợp dữ liệu thời tiết và các mô phỏng máy tính.
Nếu những người di cư xuất phát chuyến hải trình vào thời điểm diễn ra El Nino (Chu kỳ 3 – 7 năm) thì gió và những dòng hải lưu sẽ giúp chuyến đi của họ dễ dàng hơn rất nhiều. Dữ liệu mô hình hóa bao gồm ảnh chụp vệ tinh, dữ liệu thời tiết, dữ liệu mực nước biển, dữ liệu khảo cổ học đã cho ra những kết quả rất đáng tin cậy để giải thích làm thế nào mà những chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé có thể băng qua đại dương với hải trình lên tới hơn 4000km.
Các mô phỏng cũng giải thích thời kì dài hơn 1000 năm mà các chuyến hải trình đã bị gián đoạn. Đó có thể là do sức gió gia tăng cùng với sự yếu kém về công nghệ cần thiết để vượt biển.
"Đã có rất nhiều nghiên cứu về Thái Bình Dương tuy nhiên không thể mô phỏng chi tiết như những mô hình hóa mà chúng tôi đã thực hiện. Qua thời gian, các kiểu khí hậu của Thái Bình Dương đã thay đổi rất nhiều và dường như các cư dân sống trong khu vực này đã thích nghi được với sự biến đổi của thời tiết để tăng khả năng sống sót và di chuyển của họ", Fitzpatrick cho biết thêm.
Những cư dân cổ xưa đã có kiến thức về biến đổi khí hậu.
Nhóm nghiên cứu cho rằng điểm khởi đầu của những cuộc di cư là đảo Samoa đối với vùng Nam Polynesia còn đối với Hawaii và New zealand có thể là đảo Marquesas hoặc Society.
Nhưng điều khiến nhóm nghiên cứu băn khoăn đó là lý do tại sao người ta lại quyết định cho những chuyến hải trình xa xôi đến như vậy (từ 400 – 2500 dặm). Họ cần thêm nguồn tài nguyên do bùng nổ dân số hay chỉ vì mục tiêu phiêu lưu khám phá?
Nghiên cứu đã được đăng tải trên kỷ yếu của viện hàn lâm khoa học Mỹ PNAS.
Theo khampha