Không như suy đoán phổ biến lâu nay, một nghiên cứu mới phát hiện, ngáp là phản xạ tự nhiên, giúp cơ thể chúng ta kiểm soát nhiệt độ của bộ não khi quá nóng hoặc quá lạnh, để duy trì sự tỉnh táo.
Từ lâu, nhiều người vẫn cho rằng, ngáp là hành động mang tới nguồn cung cấp oxy tươi mới cho bộ não, giúp chúng ta tỉnh thức. Tuy nhiên, các nghiên cứu không thể chỉ ra việc tăng lượng oxy trong máu sau khi ngáp.
Ngáp giúp con người kiểm soát nhiệt độ của bộ não để tăng cường sự tỉnh táo
Hiện, các nhà khoa học Áo vừa khám phá ra rằng, ngáp thực sự là cách giúp cơ thể kiểm soát nhiệt độ của bộ não để gia tăng sự tỉnh táo và khả năng trí não.
Con người có xu hướng ngáp khi mệt mỏi, căng thẳng hoặc thiếu kích thích – các yếu tố có thể dẫn tới sự thay đổi nhiệt độ của bộ não. Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Vienna (Áo) đã tiến hành kiểm tra liệu nhiệt độ không khí có thể ảnh hưởng tới mức độ ngáp của chúng ta hay không.
Nhóm nghiên cứu đã cho khách bộ hành ở Vienna xem các bức ảnh người đang ngáp nhằm làm khởi phát hành động lây nhiễm ngáp. Họ tiến hành thử nghiệm trong cả các tháng mùa đông và mùa hè để xem liệu nhiệt độ không khí ảnh hưởng như thế nào tới tần suất ngáp.
Khi đem so sánh với một nghiên cứu tương tự của Mỹ, được tiến hành ở Arizona, nơi có khí hậu khô, các chuyên gia phát hiện, người ở Vienna ngáp nhiều hơn vào mùa hè, trong khi người ở Arizona thì ngược lại, ngáp nhiều hơn vào mùa đông.
Nhóm nghiên cứu kết luận, ngáp lây nhiễm nhiều khả năng xảy ra nhất khi nhiệt độ quanh mức 20 độ C. Tần suất ngáp giảm xuống khi nhiệt độ vào khoảng 37 độ C vào mùa hè ở Arizona và giảm sâu xuống mức đóng băng ở Vienna vào mùa đông.
Theo tiến sĩ Jorg Massen, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Áo, ngáp dường như vô tác dụng khi nhiệt độ không khí cao ngang bằng cơ thể hoặc khi ở mức đóng băng.
Điều này đã xác thực kết quả một nghiên cứu trước đây rằng, con người ngáp sau khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Trong khi đó, độ tuổi, giới tính và giấc ngủ đêm trước đó không có ảnh hưởng nhiều tới hành động ngáp của chúng ta.
Theo VNN