"Khi nhìn vào quá khứ của Nam Cực, chúng ta có thể thấy được tương lai của Trái đất trong một vài trăm năm tới: một thế giới nóng và ngập lụt", GS Stephen Pekar – Đại học New York cho biết.
Ảnh minh họa về cảnh quan nhiệt đới ở Nam Cực |
Chúng ta biết về Nam Cực như một nơi hoang vắng, lạnh lẽo nhất. Địa hình đồi núi bị phủ bởi lớp băng dày 2 dặm và gió lạnh, bão tuyết thường xuyên quét qua các dòng sông băng. Thế nhưng, 100 triệu năm trước, Nam Cực lại là một thiên đường nhiệt đới được phủ xanh bởi thực vật và có rất nhiều động vật có vú, thú có túi, hải ly sinh sống.
"Sự lạnh giá xảy ra chỉ trong quá khứ địa chất gần đây", GS Jane Francis – Trường Trái đất và Môi trường, Đại học Leeds phát biểu trong Hội nghị quốc tế về Khoa học Trái đất Nam cực vừa diễn ra ở Edinburg.
Trình bày tại hội nghị, các nhà khoa học thuộc Chương trình khoan biển Quốc tế cho biết, khi khoan 1km xuống đáy biển Wilkes Land ở Đông Nam cực, họ đã phát hiện lớp trầm tích có chứa phấn hoa thực vật chỉ phát triển mạnh ở vùng nhiệt đới ngày nay.
Henk Brinkhus – Đại học Utrecht (Hà Lan) nói rằng, những vật liệu mà họ tìm thấy được khi khoan cho thấy Nam Cực từng có lúc nóng như những vùng đất ở Xích đạo. "CO2 đã biến toàn bộ hành tinh thành một ngôi nhà ấm cúng".
Các dự án khoan và khảo sát vệ tinh cho thấy, không chỉ riêng Nam Cực mà toàn bộ thế giới đang bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng và có liên quan đến sự dao động mức CO2 trong khí quyển.
GS Stephan Pekar, Đại học New York cho biết: "55 triệu năm trước, tỉ lệ CO2 trong khí quyển là 1000/triệu (1000 ppm). Điều này khiến Trái đất nóng đến mức làm tan chảy tất cả các mũi băng. Mực nước biển cao hơn hiện tại khoảng 61m".
Hiện tại, tỉ lệ CO2 là 390 ppm do khí thải từ các nhà máy và phương tiện giao thông, điều này khiến nhiệt độ Trái đất tăng 1 độ C. Mỗi năm, mức CO2 tăng khoảng 2ppm. GS Pekar nói: "Đến thời điểm mức CO2 đạt 500 ppm, chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến sự tan chảy của các mũi băng chính".
Băn khoăn lớn nhất của các nhà khoa học hiện nay là tại sao lại xảy ra sự dao động mức CO2 lớn như vậy trong khí quyển. Hầu hết các giả thuyết cho rằng, tại thời điểm nhất định, sự chuyển động của các mảng kiến tạo khiến đá và các trầm tích giàu carbon giải phóng CO2.
Theo baodatviet