Nơi hình ảnh loài rồng xuất hiện nhiều nhất ở Hàn Quốc có lẽ là Khu phố Tàu của thành phố Incheon, nằm cách Seoul 35km về phía Tây. Phố Tàu ra đời vào năm 1883, sau chính sách mở cửa của chính phủ Hàn Quốc. Khắp nơi ở khu phố đều có hình ảnh của loài rồng.
Hình ảnh rồng xuất hiện ở khu phố tàu ở thành phố Incheon
Múa rồng là hoạt động để cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, vì thế không thể thiếu trong các lễ hội ở những nước chịu ảnh hưởng của nền tư tưởng Nho giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nói tới loài rồng, không thể không nhắc tới những con cháu do chúng sinh ra. Tương truyền, ở Hàn Quốc có chín đứa con của rồng, mỗi con mang hình dạng khác nhau và những nét đặc trưng. Người xưa tin rằng, chúng có thể giúp đỡ và bảo vệ họ, bởi thế chúng ta có thể tìm thấy chúng trong trong một số toà kiến trúc cổ xưa. Chẳng hạn như con Ly Vẫn thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện, chùa chiền, đền đài… ngụ ý tránh hỏa hoạn, bảo vệ bình yên cho công trình.
Con Ly Vẫn được chạm khác trên nóc đền chùa ngụ ý tránh hỏa hoạn
Các con của rồng được dân chúng tôn làm linh vật và được trang trí ở những vị trí khác nhau, trên những vật dụng với những ngụ ý đặc biệt khác nhau. Ngoài con Ly Vẫn, 8 đứa con còn lại của rồng gồm: con Bị Hí thích gánh nặng, được trang trí làm bệ đỡ cho các bệ, cột, bia đá… Con Bồ Lao thích âm thanh lớn, thường được đúc trên quai chuông. Con Bệ Ngạn có hình dáng giống hổ, thường được điêu khắc trên cửa của nhà ngục hay pháp đường. Con Thiết Thao thích ăn uống, được đúc trên các đồ dùng trong ẩm thực. Con Công Phúc thích nước, được khắc làm vật trang trí ở các công trình giao thông đường thủy. Con Nhai Xế tính khí hung hăng, được chạm khắc trên các vũ khí như đao kiếm, để tăng thêm sức mạnh. Con Toan Nghê thích hương khói, được dùng để trang trí trên lư hương. Con Tiêu Đồ thường được trang trí trên cửa, hoặc dùng làm tay nắm trên cửa…
Con Bị Hí thích gánh nặng, được trang trí làm bệ đỡ cho các bệ, cột, bia đá..
Con Bồ Lao được đúc trên quai chuông
Con Bệ Ngạn được điêu khắc trên cửa của nhà ngục hay pháp đường
Con Thiết Thao thích ăn uống, được đúc trên các đồ dùng trong ẩm thực
Con Công Phúc được khắc làm vật trang trí ở các công trình giao thông đường thủy
Con Nhai Xế được chạm khắc trên các vũ khí để tăng thêm sức mạnh
Con Toan Nghê thích hương khói, được dùng để trang trí trên lư hương
Con Tiêu Đồ thường được trang trí trên cửa, hoặc dùng làm tay nắm trên cửa
Với người dân Hàn Quốc, năm 2012 là năm Rồng Đen. Năm con rồng đại diện được lặp lại mỗi 12 năm một lần nhưng năm Rồng Đen thì 60 năm mới có một lần. Năm Rồng Đen sẽ mang lại nhiều may mắn đến với mọi người.
Khu quần thể kiến trúc cung Gyeongbok của triều đại Joseon không chỉ phản ánh đời sống văn hóa đa dạng của người dân xứ Hàn, là điểm tham quan nổi tiếng nhất của Seoul mà còn là một biểu tượng cho sự kết tinh những tinh hoa của kiến trúc cung điện phương Đông nói chung.
Cung Gyeongbok do vua Taejo – người sáng lập triều đại Joseon cho xây dựng vào năm 1395. Dù đã từng bị phá hủy bởi chiến tranh và các biến cố chính trị nhưng sau khi được trùng tu, cung Gyeongbok vẫn lưu giữ được nét cổ kính giống như nguyên mẫu.
Quần thể cung điện Gyeongbok
Tương truyền, rồng được xem là biểu tượng may mắn, là một trong tứ linh và là biểu tượng của phong thủy. Rồng Vàng trấn giữ ở giữa, rồng Xanh trấn giữ hướng Đông, rồng Đỏ trấn giữ hướng Nam, rồng Trắng trấn giữ hướng Tây, rồng Đen trấn giữ hướng Bắc.
Trên trần của điện Geunjeong có trang trí một cặp rồng vàng. Đặc biệt mỗi con rồng đều có 7 ngón chân và cả hai đang lượn vòng quanh viên ngọc như ý.
Trần của điện Geunjeong có trang trí một cặp rồng vàng
Cung Gyeongbok gần như đã lưu giữ được đường nét cổ kính nguyên mẫu xa xưa và chứa đựng những nét đặc trưng trong lối kiến trúc cung điện phương Đông. Đó là kiến trúc có quy mô to lớn, khí thế hùng vĩ được xây dựng nhằm củng cố sự thống trị, sự uy nghiêm và quyền lực của Hoàng gia. Bố cục đối xứng trong tổng thể cung điện qua trục chính Bắc – Nam gây được cảm giác các lớp kiến trúc trùng trùng điệp điệp.
Hình ảnh loài rồng đã xuất hiện ngay từ buổi bình minh của lịch sử loài người, đó là sản phẩm của trí tưởng tượng dựa trên sự nhận thức và sự phản ánh đa dạng của con người về thế giới tự nhiên. Ngày nay, dù hình tượng loài rồng tuy không còn mang tính chất linh liêng như xưa, nhưng ở bất cứ thời điểm nào, những câu chuyện về loài rồng vẫn luôn kích thích trí tưởng tượng của con người và trở thành là một phần quan trọng trong cuộc sống văn hóa của nhân loại.
Hồng Mẫn