Người dân địa phương tin rằng, chùa Tongdosa – ngôi chùa Phật giáo lớn và nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc có lưu giữ một số mảnh xương của Đức Phật trong ngôi tháp chính và nhiều truyền thuyết liên quan đến loài rồng.

Chùa Tongdosa là nơi còn lưu giữ nhiều truyền thuyết liên quan đến loài rồng

Theo những người quản lý chùa, xưa kia hồ nước suối Cửu Long trong chùa Tongdosa từng là nơi cư trú của chín con rồng. Về sau một phần hồ bị san lấp và có hình dạng như mọi người nhìn thấy ngày nay.

Trong khuôn viên chùa có Vách đá rồng. Tương truyền, trên mặt vách đá đó có dính máu rồng. Theo người dân địa phương, xưa kia từng có một con rồng độc ác đã rơi từ trên trời xuống và chết tại đây. Những vết màu đen hay còn gọi là máu rồng đã lan ra một phạm vi khá rộng trên vách đá.

Sau khi con rồng đó chết, 8 con rồng còn lại bỏ trốn đi nơi khác, hồ nước Cửu Long cũng bị san lấp để tránh chúng quay trở lại quấy nhiễu dân làng.

Rồng được xem là loài vật thiêng trong 4 linh vật, là biểu tượng cho sức mạnh và sự giàu có. Nhưng vì sao chúng lại xuất hiện trong các tác phẩm chạm khắc và hội họa của Phật giáo và Đạo giáo qua hình tượng hung ác, đáng sợ đến thế?

Vào khoảng thế kỷ thứ 6 sau công nguyên, Phật giáo trở thành quốc giáo của nước Silla. Nhiều công trình kiến trúc về Phật giáo đã được xây dựng. Đến nay, chúng vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, nổi bật trong số đó là chùa Hwangnyongsa, Bulguksa, Seokguram…

Vào thời kỳ đầu của vương triều Silla, người xưa đã vẽ nhiều bức tranh với nội dung xoay quanh cuộc chiến giữa rồng và những người theo đạo Phật.

Trong số 9 con rồng độc ác đó có một con đã quy thuận các nhà sư ở chùa Tongdosa. Do đó, họ đã xây dựng một hồ nước để nó sinh sống.

Hồ nước trong khu vực chùa Tongdosa – nơi được cho là các nhà sư

đã xây dựng để cho con rồng đã quy thuận sinh sống

Sau khi quy thuận các vị hòa thượng chùa Tongdosa, từ một loài vật hung ác, con rồng đã trở nên hiền lành trong nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc lúc bấy giờ. Trong một bức tranh, rồng đã vượt qua sóng to gió lớn để đưa Đức Phật và người giác ngộ lên thiên đàng.

Khi đến Bảo tàng báu vật chùa Tongdosa ở thành phố Yangsan, tỉnh Gyeongsang, khách tham quan sẽ có dịp tận mắt chiêm ngưỡng bức bình phong Cửu Long Đảo có giá trị rất cao. Hình tượng 9 con rồng trên bức bình phong được vẽ công phu, màu sắc rực rỡ với nhiều dáng vẻ khác nhau. Qua đó các nhà nghiên cứu có thể biết thêm nhiều điều thú vị về loài vật linh thiêng này.

Hình tượng 9 con rồng ẩn mình trong đám mây thật ấn tượng và oai phong. Hàng ngày có nhiều cư dân địa phương và khách du dịch đến chiêm ngưỡng bức bình phong 9 con rồng của Bảo tàng báu vật chùa Tongdosa.

Một số hình ảnh rồng được in trên bức bình phong Cửu Long Đảo

Lễ hội đèn lồng hoa sen được tổ chức hàng năm ở thủ đô Seoul. Tại đây, khách du lịch có dịp được chiêm ngưỡng các loại đèn hoa, đủ kiểu dáng, màu sắc rực rỡ. Bên cạnh đó còn được xem tiết mục múa rồng vô cùng đặc sắc.

Lễ hội đèn lồng hoa sen là một hoạt động lớn kỷ niệm ngày Đức Phật chào đời. Sự kiện này được tổ chức thường niên ở Seoul và đã trở thành một hoạt động văn hóa truyền thống, luôn thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham gia.

Lễ hội đèn lồng hoa sen được tổ chức hàng năm ở Seoul

Đêm xuống, bầu không khí của lễ hội đèn lồng càng tưng bừng và náo nhiệt hơn. Từng đoàn người rước đèn lồng và nhảy múa trên đường. Ngoài ra, còn có đoàn xe hoa diễu hành, bên trên trang trí nhiều con vật vô cùng lộng lẫy.

Hình ảnh con rồng cũng xuất hiện lộng lẫy trong lễ hội

Ngoài đoàn xe kết đèn hoa đẹp lung linh, tái hiện các điển tích về Đức Phật , còn có xe hoa trang trí hình rồng với nhiều hình dáng khác nhau rất rực rỡ. Tiếng nhạc vang lên từ đội nhạc khoác trang phục truyền thống đã góp phần tăng thêm phần náo nhiệt cho lễ hội.

Lễ hội đèn lồng kết thúc sau màn bắn pháo hoa hoành tráng . Nó đã để lại những kỉ niệm khó phai trong lòng người dân xứ Hàn và du khách quốc tế.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *