Nếu bạn biết được “chìa khóa” về những phong tục của người Nhật, bạn sẽ đến gần hơn với người bản xứ và dễ tiếp cận với xã hội Nhật.
Nắm bắt văn hóa giao tiếp của người Nhật sẽ khiến bạn cảm thấy gần gũi hơn với những người dân nơi đây |
Cúi đầu
Cúi đầu chào nhau được xem như một nghệ thuật giao tiếp ở đất nước Phù Tang. Ngay từ khi bước vào tuổi đi học, trẻ em đã được dạy dỗ về cách cúi đầu. Đối với du khách, những chỉ dẫn đơn giản về nghệ thuật cúi đầu là rất cần thiết khi giao tiếp với người Nhật. Độ nghiêng của đầu ngang phần ngực được xem là hợp lý đối với buổi sơ giao.
Thời gian và độ nghiêng của đầu khi cúi chào thể hiện địa vị và sự tôn trọng của người đối diện. Thông thường, đối với bạn bè, cúi đầu nhanh và nghiêng khoảng 30 độ là hợp lý. Nhưng đối với cấp trên ở công sở, động tác cúi đầu chào lâu hơn và độ nghiêng thông thường thường là 70 độ. Tuy nhiên, điều này cũng hết sức linh hoạt tùy thuộc vào địa vị, tuổi tác và hoàn cảnh cụ thể.
Việc xưng hô kèm theo chức danh, bậc và học hàm cũng rất quan trọng. Một tiến sĩ hẳn sẽ cảm thấy hơi phiền lòng nếu tên ông ta không được xướng kèm chức danh và học vị.
Phép tắc trong ăn uống
Trong những bữa tiệc, nếu bạn không phải người chủ trì, hãy chỉ nâng ly cùng những người khác, sau khi người chủ trì tuyên bố lý do hay phát biểu điều gì đó. Khi nâng ly, bạn nên nâng cao ly lên và nói "kampai" (chúc mừng).
Nếu dùng bữa trong nhà hàng, bạn được đưa một chiếc khăn ướt, hãy dùng chiếc khăn này lau tay của bạn trước khi dùng bữa, gấp cẩn thận để ở góc bàn. Nên nhớ đừng dùng để lau mặt hay lau miệng trong khi ăn.
Ở Nhật, tiếng húp “sụp” khi ăn mì hay những tiếng động tạo ra khi ăn được chấp nhận, đôi khi điều này còn thể hiện thái độ lịch sự của khách vì nó nói lên rằng, bạn cảm thấy rất ngon khi thưởng thức món ăn của chủ nhà.
Nói không với tiền típ
Người Nhật thường nói “không” với văn hóa típ (tiền bo). Khi được đưa tiền típ, một vài người xem đó như hành vi bị coi thường. Tuy nhiên, nếu ở những thành phố lớn như Tokyo và bạn không thể nói một từ tiếng Nhật, đôi khi người phục vụ vẫn nhận tiền típ. Lý do đơn giản là họ không biết phải dùng ngôn ngữ nào để từ chối và họ cũng hiểu nếu không nhận tiền này thì mất lịch sự với khách, nhất là những người Âu, Mỹ.
Dùng đũa
Nếu không phải đến từ các quốc châu Á, rất khó để sử dụng thành thạo đôi đũa. Tuy nhiên nếu làm được điều này, du khách sẽ nhận được những cái nhìn rất thiện cảm từ những người địa phương.
Cẩn trọng ở… ngưỡng cửa
Cởi giày trước khi bước vào bất kỳ căn nhà nào. Ở một số gia đình, sau khi tháo bỏ giày, khách sẽ được gia chủ đưa cho đôi dép xỏ ngón đi trong nhà (dép đi truyền thống của người Nhật).
Dép ở những khu vực đặc biệt như toilet, vườn.., được sử dụng riêng. Sẽ rất phiền lòng gia chủ nếu bạn lê đôi dép từ khu vực này sang khu vực khác.
Đeo khẩu trang
Dịch SARS là một trải nghiệm buồn đối với người Nhật. Ở những khu vực nhạy cảm hay bất kỳ khi nào thông tin dịch bệnh được đăng báo, thì đeo khẩu trang được xem là hành vi tôn trọng và bảo vệ những người xung quanh. Nên “nín” cơn ho, cái hắt hơi và thực hiện nó một cách kín đáo.
Tính cộng đồng
Những nghiên cứu cho thấy, người Nhật cảm thấy gặp nhiều nguy hiểm khi đơn độc. Chủ nghĩa cá nhân là điều không nên thể hiện nhiều ở quốc gia này. Nếu văn hóa phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, thì tính cộng đồng, tập thể lại được tôn trọng ở Nhật.
Tuy điều này không có nghĩa tính cá nhân bị triệt tiêu, mà vấn đề là thể hiện nó một cách phù hợp và có liều lượng. Đừng tự biến mình thành tâm điểm của đám đông bằng cách thổi phồng bản thân, gây sự chú ý, nói điện thoại lớn tiếng ở nơi công cộng như bến đợi xe buýt…
Tắm
Không giống như văn hóa phương Tây, tắm ở Nhật cũng được xem như một nghệ thuật, một hình thức thư giãn, giải trí. Người Nhật ngâm mình trong nước khi cơ thể họ đã sạch sẽ.
Nếu được mời đến nhà ai đó, sẽ là một món quà đầy sự cảm mến và kính trọng nếu như gia chủ cho phép bạn sử dụng phòng tắm trước, đặc biệt là trước bữa tối. Tuy nhiên, khách cũng phải hết sức thận trọng, làm dơ bẩn nguồn nước là điều rất khiếm nhã.
Đến các phòng tắm công cộng ở Nhật, du khách sẽ thấy rất nhiều điều thú vị: không có bất cứ một rào cản nào về màu da, độ tuổi hay ngôn ngữ…, chỉ trừ giới tính (tuy nhiên, hiện nay , ở một số nơi, giới hạn này cũng được dỡ bỏ).
Sử dụng tiếng Anh
Người Nhật tỏ ra rất thân thiện và chào đón người nói tiếng Anh như tiếng bản ngữ. Chỉ cần quan sát, bạn sẽ cảm nhận thấy ngay điều này. Những cô, cậu bé học trò nói “hello” với bất cứ vị khách châu Âu hay Mỹ nào chúng nhìn thấy trên đường đi học. Khách Âu, Mỹ cũng được đón tiếp niềm nở hơn ở nhà hàng hay khu mua sắm. Tuy nhiên, nếu như những khách du lịch không nói tiếng Anh cũng được tiếp đón tương tự thì đất nước mặt trời mọc hẳn sẽ còn ấn tượng hơn nhiều.
Sự an toàn
Nhật là một quốc gia kỷ luật, tuy nhiên, không vì vậy mà du khách có thể mất cảnh giác về hành lý và thậm chí cả sự an toàn của mình. Tốt nhất du khách không nên tiết kiệm khi sử dụng các dịch vụ an toàn của các khu du lịch, khách sạn hay các công ty tổ chức tour.
Theo Báo Đất Việt