Ngày 16/6, nhà khoa học Mexico Guillermo Bernal thuộc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Maya của Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM), cho biết sau 6 thập kỷ tìm tòi và nghiên cứu, các nhà khoa học nước này đã giải mã thành công hình chạm trổ trên bức tường đá trong ngôi mộ của Vua Pakal tại khu khảo cổ Palenque, bang miền Nam Chiapas của Mexico.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hình chạm trổ trên bức tường trong ngôi mộ của vua Pakal giống như hàm răng của con báo, một loài vật được coi là biểu tượng thiêng liêng của những chiến binh trong nền văn minh Maya và khi kết hợp với dòng chữ “yej te” ghi trên mộ.
Ngôi mộ của Vua Pakal tại khu khảo cổ Palenque
Hình trạm trổ này có nghĩa là 9 mũi giáp nhọn, tượng trưng cho 9 chiến binh, thể hiện quyền lực của Vua Pakal.
Vua K'inich Janaab' Pakal sinh ra trong thế kỷ 7 sau Công nguyên, không chỉ nổi tiếng về trận mạc mà còn thành công trong việc xây dựng lại thành cổ Palenque tồn tại cho tới ngày nay.
Trên các công trình xây dựng của người Maya, các nhà khoa học phát hiện ra nhiều hình chạm trổ khác nhau và cho tới nay, 20% trong số này vẫn chưa được giải mã.
Nền văn minh của người Maya được biết đến không chỉ qua các công trình xây dựng hùng vĩ mà còn nổi danh nhờ các công trình chạm trổ trên đá.
Họ đã sáng chế ra lịch và hệ thiên văn mang tính khoa học và đạt đỉnh cao trong khoảng thời gian từ 250 đến 900 sau Công nguyên tại vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm một số bang ở miền Nam Mexico, Guatemala, Belize và Honduras ngày nay.
Theo VietnamPlus