Cho đến nay, vẫn chưa có gì rõ ràng hơn những thứ mà chúng tôi đã kiếm tìm được để hiểu rõ nguyên nhân gây ra cái chết của Tutankhamun. Khi chúng tôi bắt đầu tiến hành nghiên cứu mới, Ashraf Selim và đồng nghiệp đã phát hiện ra một điều gì đó trước đây không được chú ý trong những hình ảnh CT của xác ướp: chân trái của Tutankhamun bị bầm dập, một ngón chân bị mất xương, và một phần xương của bàn chân đã bị hủy hoại do hoại tử, theo đúng nghĩa đen của nó: “các mô đã chết”.
Vua Tutankhamun có thể chết vì bệnh sốt rét |
Cả hai chi tiết chân bị bầm dập và bệnh xương có thể đã cản trở khả năng đi bộ của nhà vua. Các học giả đã tìm thấy 130 cây gậy đi bộ, còn một phần hoặc nguyên vẹn trong lăng mộ của Tutankhamun, một số chiếc gậy trong số đó có dấu hiệu rõ ràng đã được sử dụng.
Một số người cho rằng, những cây gậy này là biểu tượng chung của quyền lực và các hư hại ở bàn chân của Tutankhamun có thể do quá trình ướp xác. Nhưng phân tích của chúng tôi cho thấy, có sự tăng trưởng xương mới ở chân để thay thế các thành phần hoại tử, điều này thực sự chứng minh rõ những gì đã xảy ra đối với nhà vua. Và trong tất cả hình ảnh còn lại về các vị vua Ai Cập, chúng tôi chỉ thấy có Tutankhamun là ngồi khi thực hiện các hoạt động như bắn cung tên hay ném gậy. Điều này cho thấy, không phải vị vua sử dụng cây gậy như một biểu hiện của quyền lực mà ngược lại, nó được người đàn ông trẻ sử dụng để hỗ trợ khi đi bộ.
Căn bệnh về xương của Tutankhamun đã khiến ông bị liệt, bản thân nó không thể khiến ông tử vong. Để biết được nguyên nhân sâu xa gây ra cái chết của ông, chúng tôi phân tích xác ướp của ông để tìm ra các dấu vết di truyền của các bệnh truyền nhiễm khác nhau. Dựa trên sự hiện diện của DNA thuộc một số chủng ký sinh trùng được gọi là Plasmodium falciparum, có thể khẳng định rõ ràng rằng, Tutankhamun đã bị nhiễm bệnh sốt rét. Không những thế, ông đã bị nhiễm căn bệnh nghiêm trọng này rất nhiều lần.
Liệu có phải chính căn bệnh sốt rét đã giết chết nhà vua? Có thể vậy. Căn bệnh này có thể kích hoạt một phản ứng miễn dịch trong cơ thể, gây sốc cho hệ thống tuần hoàn và dẫn tới xuất huyết, co giật, hôn mê và tử vong. Vả lại, một số nhà khoa học khác cũng đã chứng minh rằng, sốt rét là căn bệnh khá phổ biến trong khu vực ở thời điểm đó, và cơ thể Tutankhamun đã có thể có phần nào miễn dịch trước căn bệnh này. Tuy nhiên, căn bệnh cũng có thể làm hệ miễn dịch của ông bị suy yếu, làm cơ thể bị biến chứng khiến các vết thương ở chân của ông khó lành (vết thương này đã được phân tích và đánh giá vào năm 2005).
Cây phả hệ dòng họ vua Tut |
Phân tích di truyền 11 xác ướp đã xác định được rõ đâu là ông, bà, cha mẹ và các chị, em của vua Tut. Cha của vua Tut có khả năng rất cao là Akhenaten. Tuy nhiên, xác định rõ được mẹ của ông giờ vẫn là ẩn số. Cách làm của các nhà khoa học là thu thập ADN, rồi so sánh 8 bộ gene đặc trưng (phần chữ trong ô vuông tô màu ở hình dưới) để tìm ra dấu hiệu di truyền riêng của mỗi xác ướp. Những dấu hiệu di truyền giống nhau là cơ sở để xác định các mối quan hệ huyết thống.
Tuy nhiên, theo quan điểm của một số nhà khoa học, sức khỏe của Tutankhamun đã bị tổn hại ngay từ lúc ông được hình thành. Cha và mẹ của ông là hai anh em ruột. Xã hội Ai Cập thời các Pharaon không phải là xã hội duy nhất trong lịch sử có hiện tượng loạn luân trong hoàng gia. Bởi điều này về mặt chính trị có thể mang lại một số lợi ích nào đó, nhưng lại mang tới các hậu quả nguy hiểm về mặt sức khỏe con người. Kết hôn giữa những người cùng huyết thống anh chị em có nhiều khả năng dẫn tới các bản sao đôi của các gene có hại, khiến con cái của họ dễ bị một loạt các khiếm khuyết di truyền. Chiếc chân dị dạng của Tutankhamun có thể chính là một sai lầm của di truyền. Chúng tôi nghi ngờ ông cũng bị hở vòm miệng một phần, một khuyết tật bẩm sinh. Có lẽ ông cũng đã phải chiến đấu với những khuyết tật bẩm sinh khác cho đến khi một đợt bệnh sốt rét nghiêm trọng ập đến hoặc đến khi chân của ông bị gãy vì tai nạn, cơ thể của ông không thể chịu đựng thêm được nữa.
Rất có thể có một bản di chúc sâu sắc nào đó biện hộ cho sự loạn luân hoàng gia được chôn cùng với Tutankhamun trong mộ của ông. Trong khi dữ liệu vẫn còn chưa tìm được đầy đủ, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, một trong các xác ướp bào thai tìm thấy ở đó là con gái của vua Tutankhamun, và rất có thể thai nhi kia cũng là con của ông ta. Cho đến nay, chúng tôi mới có được rất ít dữ liệu về hai xác ướp nữ có ký hiệu KV21. Theo đó, xác ướp KV21A có thể là vợ của Tutankhamun, tức là Ankhesenamun. Chúng ta biết từ các sách sử rằng, cô là con gái của Akhenaten và Nefertiti và do đó có khả năng là người con cùng cha khác mẹ với chồng của cô ta, tức là vua Tutankhamun.
Một hậu quả khác của giao phối cận huyết là những đứa trẻ khi sinh ra có các khuyết tật di truyền không cho phép chúng sống lâu. Vì vậy, có lẽ đây là kết cục của cuộc chơi, với việc một vị vua trẻ và nữ hoàng của mình cố gắng sinh ra một người con để thừa kế ngai vàng của Ai Cập.
Trong số các hiện vật tuyệt đẹp được chôn cùng với Tutankhamun, người ta thấy có một hộp nhỏ làm bằng ngà voi và bọc vải, chạm khắc hình ảnh vợ chồng nhà vua. Tutankhamun đang đứng dựa vào cây gậy của mình trong khi hoàng hậu đang chìa một bó hoa về phía ông. Trong hình ảnh này cũng như các hình ảnh miêu tả khác, hai vợ chồng nhà vua đều xuất hiện với những khuôn hình biểu hiện một tình yêu trong sáng. Sự thất bại của cuộc tình này đã dẫn tới sự kết thúc không chỉ một gia đình hoàng tộc mà cả một triều đại. Chúng tôi biết rằng, sau khi Tutankhamun chết, một nữ hoàng Ai Cập, rất có thể Ankhesenamun, đã xin vua của Hittite, kẻ thù chính của Ai Cập kết hôn với một hoàng tử của ông, bởi vì “chồng tôi đã chết, và tôi không có con trai“. Vua Hittite gửi tới một người con trai, nhưng vị hoàng tử này đã chết trước khi đến Ai Cập. Tôi tin rằng, ông này đã bị Horemheb, chỉ huy trưởng quân đội của Tutankhamun ám sát. Horemheb sau này đã chiếm ngôi vua, nhưng rồi cũng qua đời mà không có con, để lại ngôi cho một người bạn, cũng là một vị tướng.
Vị pharaon mới có tên là Ramses I. Ông ta bắt đầu một triều đại mới, trong đó, dưới thời cai trị của cháu nội ông, vị vua Ramses Đại đế, Ai Cập đã phát triển lên một tầm cao mới đầy quyền lực. Hơn bất cứ ai hết, vị vua vĩ đại này đã làm tất cả để xóa khỏi lịch sử các dấu vết của Akhenaten, Tutankhamun, và “các nhà vua dị giáo “ của thời kỳ Amarna.
Với những điều tra mới này, chúng tôi tìm cách để vinh danh những vị vua bất tử và cố gắng giữ lại những ký ức về họ để chúng sống mãi theo thời gian.
Lợi ích và nguy cơ của sự loạn luân hoàng tộc Dòng họ King Tut không phải là dòng họ hoàng tộc duy nhất có các mối quan hệ cận huyết. Trên thực tế, trong khi hầu như mọi nền văn hóa trong lịch sử đã diễn ra tình trạng quan hệ cận huyết cấm kị giữa các anh chị em ruột hoặc cha mẹ với con, nhiều xã hội không coi điều này đáng bị trừng phạt, có thể kể ra như ở Ai Cập cổ đại, thời Inca Peru, và, nhiều thời điểm khác nhau được dung thứ trong lịch sử tại Trung Phi, Mexico, và Thái Lan. Và trong khi đa phần các hoàng gia ở châu Âu tránh sự loạn luân giữa anh chị em thì một số hoàng gia khác, bao gồm dòng họ Hohenzollerns ở Phổ, dòng họ Bourbon ở Pháp, và hoàng gia Anh lại thường diễn ra việc kết hôn giữa các anh em họ với nhau. Dòng họ Habsburgs ở Tây Ban Nha, những người đã cai trị trong gần 200 năm, thường kết hôn với những người thân gần gũi. Triều đại của họ kết thúc vào năm 1700 với cái chết của Charles II, một vị vua có những vấn đề bí ẩn về sức khỏe và phát triển, thí dụ như lên 4 tuổi mới biết nói hoặc lên 8 tuổi mới biết đi. Ông cũng gặp khó khăn khi nhai thức ăn và không thể có con. Những trục trặc xảy ra trong cơ thể của vua Charles và pharaon Tutankhamun chính là kết quả của các mối quan hệ cận huyết. Điều đó lý giải tại sao con người đã cấm sự loạn luân ở hầu hết các nơi trên thế giới. Sự trùng lặp gene có thể gây ra những tác dụng ngược. Những đứa con của các mối quan hệ cận huyết (giữa các anh, chị, em ruột hay giữa cha, mẹ và con ruột) đều được thừa hưởng trùng lặp trung bình nửa số gene của cha mẹ. Các quan hệ cận huyết xa hơn (thí dụ giữa chú-cháu, cậu-cháu…) thì sẽ bị trùng 12,5% số gene. Không những thế, các mối quan hệ cận huyết còn khiến gia tăng nguy cơ xuất hiện của các gene lặn, đặc biệt khi các mối quan hệ cận huyết được tiếp tục trong nhiều thế hệ, dẫn tới các khuyết tật về sức khỏe đối với những đứa con sau này được sinh ra. Rất có thể việc khiếm khuyết hàm ếch và khuyết tật ở chân của vua Tut cũng như thân hình nhỏ bé và sự vô sinh ở Charles II là kết quả của các mối quan hệ cận huyết kéo dài nhiều thế hệ. Kể cả các hoàng gia biết được tác hại của quan hệ cận huyết, họ cũng sẽ lờ chuyện đó đi. Theo giáo sư Walter Scheider, chuyên gia về Hy Lạp và La Mã cổ đại của Đại học Stanford, một trong các lý do khiến họ làm điều đó là “sự loạn luân dường như là được dành cho họ”. Sự loạn luân hoàng gia xảy ra chủ yếu trong các xã hội có nhiều quyền lực và không có đối thủ chính trị, ngoại trừ sự hiện diện của các thần thánh. Và họ suy nghĩ: bởi vì các vị thần có thể lấy lẫn nhau, do đó, các thành viên hoàng gia cũng có thể làm được điều đó. Loạn luân cũng là cách để bảo vệ tài sản của hoàng gia. Lấy nhau giữa các thành viên trong gia đình đảm bảo là nhà vua sẽ chia sẻ sự giàu có, đặc quyền và quyền lực chỉ cho những người thân của họ. Ở các xã hội quyền lực tập trung tiêu biểu như Ai Cập cổ đại và Inca Peru, điều này hạn chế vòng giao phối chỉ trong nội bộ các gia đình hoàng tộc. Ở các nền văn hóa kế tục, như ở châu Âu trong thiên niên kỷ thứ 2, người ta cho phép sự kết hôn ra bên ngoài các thành viên trong gia đình, với những người thuộc chế độ khác để hình thành các liên minh nhằm duy trì quyền lực giữa họ với nhau. Và các mối nguy hiểm, trên thực tế, không phải hoàn toàn đã được loại bỏ tuyệt đối. Đối với các mối quan hệ cận huyết ở mức độ xa hơn cũng có thể gây ra các tác hại đối với sức khỏe của những đứa con sau này. Và sự giàu có của hoàng gia cũng có thể có tác dụng giúp những người thụ hưởng có điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn. Vua Charles II chắc chắn đã có cuộc sống tốt hơn (và sống lâu hơn, ông chết ở tuổi 38) so với việc nếu ông chỉ là một người nông dân thời đó. Một vị vua hay một vị pharaon cũng có thể tránh được sự rủi ro của các quan hệ loạn luân bằng cách có quan hệ với nhiều phụ nữ khác. Như nhà nghiên cứu Hy Lạp và La Mã cổ đại của Đại học Stanford Josiah Ober viết: “Ông ta có thể lấy bất cứ người con gái đẹp nào ông ta muốn”. Thí dụ như nhà vua trị vì Inca, Huayna Capac (1493-1527), người đã truyền lại quyền lực của mình không chỉ cho người con trai Huáscar, đứa con với người vợ, đồng thời là em gái của ông, Capac, mà còn cho cả Atahualpa, đứa con trai của ông với một nữ hoàng. Và nhà vua Rama V của Thái Lan (1873-1910) đã có tới 70 đứa con, trong đó một số đứa con là với những người em gái ruột, nhưng phần lớn là với các ái phi và cung tần mỹ nữ khác. Những nhà vua như vậy có thể mang lại sự thịnh vượng, an toàn, giáo dục và kể cả quyền lực chính trị cho nhiều đứa con của họ, mà không cần biết mẹ của chúng là ai. Như một nhà di truyền học nói: nhà vua đã để lại các gene của mình cho hậu thế theo nhiều cách thức khác nhau. Bingham hiểu rằng ngay cả sau này, khi nhà vua Kamehameha III của Hawai theo đạo Thiên chúa giáo, ông vẫn cứ tiếp tục ngủ với em gái của mình, Nữ hoàng Nahi’ena’ena trong vòng vài năm sau đó. Điều này có thể khiến những người già của đất nước này vừa lòng nhưng lại làm phật lòng các nhà truyền giáo. Họ làm điều đó là bởi họ yêu nhau, nhà sử học Carando nói. |
Theo bee