Tiến sĩ Erich Fitzgerald và chiếc răng "khủng" của cá nhà táng cổ đại.
Murray Orr – người săn tìm hóa thạch nghiệp dư – vừa tình cờ có được một “báu vật”, trong một lần tìm kiếm ở vịnh Beaumaris. Đây là khu vực ở gần Melbourne, thường được đào xới để tìm kiếm các hóa thạch cổ xưa.
Khi đào được vật lạ này lẫn trong đá, ông chưa ý thức được giá trị của nó. “Lúc mới nhìn thấy nó giống như một vỏ đạn pháo, tôi nghĩ nó có thể làm cụt tay mình. Nhưng khi nhìn thấy đường cong tạo thành góc nhọn, tôi biết đó là một chiếc răng của loài cá nhà táng” – Orr cho biết.
Chiếc răng hóa thạch mà Orr tìm thấy chưa từng được phát hiện ở Australia trước đó. Nó dài khoảng 30 cm, kích thước gần gấp đôi răng của cá nhà táng hiện tại, lớn hơn răng hàm của một con Khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex.
Ở giữa là chiếc răng được Orr tìm thấy, bên phải là răng cá nhà táng hiện nay, còn bên trái là răng Khủng long bạo chúa. |
Orr báo tin cho nhà cổ sinh vật Erich Fitzgerald ở gần Bảo tàng Victoria. Chiếc răng được làm sạch bằng… bàn chải đánh răng và qua phân tích, ông Fitzgerald xác định nó thuộc về một nhóm động vật biển đã tuyệt chủng là Livyatan melvillei – loài cá nhà táng cổ đại. Nó có chiều dài hơn 18 mét, nặng hơn 36 tấn.
“Những con cá nhà táng tuyệt chủng này thậm chí ăn những con vật có bộ xương lớn hơn nó, là những loài cá lớn, cá mập và tôi nghi ngờ có cả cá voi” – tiến sĩ Fitzgerald cho biết.
Hình ảnh con cá nhà táng cổ đại được tái tại lại.
Trước đây, loài cá nhà táng này từng được tìm thấy ở Peru, Chile và California, sống cách đây 12-13 triệu năm, Với phát hiện của Orr, lần đầu tiên loài này được tìm thấy bên ngoài Châu Mỹ và chỉ cách ngày nay 5 triệu năm.
Được biết, Orr đã tặng chiếc răng quý hiếm này cho bảo tàng.
Nguồn: Theo Laodong.com