Phát hiện về việc dùng tăm để vệ sinh răng miệng của người cổ đại này được các nhà khoa học Thụy Sĩ công bố.
Các nhà nghiên cứu mới đây đã giải thích được lý do tại sao hàm răng của người cổ đại đầu tiên (nhánh người có họ hàng với con người hiện đại) lại có những lỗ hổng lớn và bị biến đổi khá nhiều. Đó chính là vì người cổ đại đã sử dụng tăm để vệ sinh răng miệng của mình.
Kết luận này được rút ra sau khi các nhà khảo cổ tiến hành nghiên cứu trên hóa thạch của loài người cổ đại đầu tiên tại khu vực Dmanisi (Cộng Hòa Georgia), có niên đại khoảng 1,8 triệu năm. Hóa thạch này gồm 4 bộ hàm (trên hoặc dưới) của cả thanh niên, người già và một số họ người khác – được tìm thấy trong khu vực Dmanisi nói trên.
Phần lỗ hổng rất lớn giữa các răng tiết lộ thói quen sử dụng tăm của người cổ đại
Nhà cổ sinh vật học Ann Margvelashvili đến từ Viện nghiên cứu và Bảo tàng Nhân chủng học Zurich (Thụy Sĩ) cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu phần hàm răng trên của các hóa thạch bởi chúng thường được bảo quản tốt hơn so với các bộ phận khác". Kết quả chỉ ra, chính việc lạm dụng tăm là nguyên nhân dẫn đến việc hàm răng của loài người cổ đại đã bị biến đổi và xuất hiện lỗ hổng lớn.
Các vết xước được tìm thấy ở chân răng tiết lộ thói quen xỉa răng quá nhiều lần, dẫn tới hàm bị sưng tấy và nhiễm trùng. Điều này phần nào chỉ ra cách thức mà loài người thời cổ đại ăn uống và sinh tồn.
Bằng chứng cho thấy người cổ đại đã biết dùng tăm để "xỉa răng"
Việc lạm dụng tăm chính là nguyên nhân lý giải tại sao hàm răng của loài người cổ đại này đã biến đổi khá nhiều
Tuy nhiên, những bộ hàm thu thập được lại có nhiều sự khác biệt khá lớn. Một số người cho rằng, đây đơn thuần chỉ là sự khác biệt giữa 2 giới trong cùng một loài. Nhóm khác lại khẳng định, sự chênh lệch này xuất phát từ sự bất tương đồng giữa các loài khác nhau trong họ người.
Để giải quyết băn khoăn này, các nhà khoa học đã phân tích sự biến đổi về xương hàm của những người săn bắn, hái lượm ở Úc, Greenland, sau đó đối chiếu với răng và bộ hàm của nhóm người cổ đại tìm thấy ở Dmanisi.
Kết quả thu được cho thấy, sự khác biệt của bộ hàm tìm thấy ở Dmanisi đơn giản xuất phát từ tính đa dạng giữa cá thể trong cùng một loài. Về lý thuyết, răng có thể bị mòn đi theo những cách khác nhau, dẫn tới sự tái định hình đặc điểm của xương hàm, bao gồm cách sắp xếp răng, độ dài và góc hàm…
Hình ảnh cho thấy bộ hàm của người trẻ ít bị mài mòn nhất
Các chuyên gia phát hiện, ở một bộ hàm được tìm thấy ở Dmanisi, hầu hết tất cả răng đã bị mòn, chỉ còn duy nhất một chiếc răng nanh. Các nhà nghiên cứu dự đoán, để có thể sinh tồn khi không còn răng để ăn, họ người này chắc chắn phải sử dụng một dụng cụ chuyên dụng để làm mềm thức ăn trước khi “thưởng thức”.
Theo Trí Thức Trẻ