Sông Dương Tử mang trên mình nó những vấn đề quan trọng cho tương lai của Trung Quốc. Với chiều dài hơn 6.000 cây số, bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng trải dài đến vùng đồng bằng Thượng Hải, đây là hệ thống đường thủy được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và cũng là một trong những dòng chảy nguy hiểm nhất. Trong hơn 100 năm qua, con người đã có nhiều công trình xây dựng với những đề án kỹ thuật tiên tiến nhằm kèm hãm sức mạnh tàn phá của dòng sông.
Công trình Đập Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp là một trong những công trình xây dựng rất lớn và có thể nhìn thấy từ trên không. Đập được xây dựng để khai thác thủy điện nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng điện của người dân Trung Quốc. Đập nước đã mang lại nhiều thuận lợi cho các thành phố lân cận như Trùng Khánh. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đập nước phải đầu tư rất nhiều tiền. Lượng nước quá lớn không thể kiểm soát khiến cho vùng bờ cạnh cửa sông Dương Tử bị xói mòn ở mức độ báo động. Điều này đe dọa đến các công trình kiến trúc của Thượng Hải và sự tác động đó có thể gây ra nhiều vấn đề quan trọng về môi trường. Dòng sông lớn nhất của Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Trung Quốc phát triển về kinh tế với tốc độ thần kỳ. Tất cả mọi người đều chịu ảnh hưởng từ quá trình thay đổi. Nhiều người đã có được sự thuận lợi từ sự phát triển nhưng cũng có nhiều người không theo kịp tiến độ này. Không phải chỉ có con người phải gắn mình với sự thay đổi và phát triển mà cảnh quan cũng vậy. Câu chuyện của sông Dương Tử là câu chuyện của Trung Quốc thời hiện đại. Đó cũng là ước muốn chinh phục thiên nhiên của con người để tạo sự thuận lợi cho quá trình phát triển. Nhưng dòng sông Dương Tử không phải là dòng nước đơn thuần mà nó còn là nguồn sức mạnh để đưa đất nước Trung Quốc đi lên.
Khe Hổ nhảy trên sông Dương Tử
Từ lâu, sông Dương Tử đã nuôi dưỡng những vụ mùa, cung cấp lương thực cho phần lớn cư dân sống trên quốc gia đông dân nhất thế giới này. Những cánh đồng lúa bội thu của Trung Quốc đã được nuôi dưỡng bằng nguồn phù sa phong phú mà dòng sông mang lại. Trong suốt cuộc hành trình từ vùng núi đến biển khơi, sông Dương Tử đã nuôi sống các vùng đất mà nó đi qua. Nước sông đã tích trữ rất nhiều trầm tích và tiếp nhận phù sa trên suốt chặng đường dài để khi đến vùng đồng bằng, sông sẽ phân phối lượng nước cho tất cả các vùng đất trong lưu vực. Những vùng đất bị ngập nước ở lưu vực sông Dương Tử đã tạo ra khoảng ½ lượng lúa gạo của Trung Quốc. Dòng sông mang lại nhiều điều thuận lợi, nhưng kèm theo đó là không ít khó khăn.
Những trận lũ lụt hàng năm của sông Dương Tử đã gây ra không ít khó khăn và nguy hiểm với những cư dân sống bên bờ sông. Và gần đây nhất là vào năm 1998, nước sông dâng lên cao 53 mét và nhấn chìm một vùng đất rộng lớn, phá hủy khoảng 5 triệu ngôi nhà và nhiều người thiệt mạng. Trận lụt đã làm thiệt hại nền kinh tế của Trung Quốc rất nhiều. Chính điều này đã khiến chính quyền Trung Quốc tìm cách giải quyết vấn đề sông Dương Tử bằng Đập Tam Hiệp. Đập có chiều cao 158 mét và rộng hơn 2 cây số vốn là đề án xây dựng lớn thứ 2 của Trung Quốc sau Vạn lý trường thành. Đập nước sẽ tạo thành một hồ chứa với dung tích khoảng 5 tỉ mét khối nước với độ sâu hàng trăm mét và dài khoảng 650 cây số. Hồ sẽ giữ lại lượng nước khổng lồ đã từng gây ra tai họa trong quá khứ của Trung Quốc.
Minh Thanh