Miso là thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn của người Nhật. Trong đó, phổ biến nhất là dùng để nấu súp hay còn được gọi là súp miso.

Tương miso trắng, đỏ và đen

Cơm và súp miso là thành phần cơ bản luôn có mặt trong các bữa ăn truyền thống của người Nhật. Món súp này có thể được dùng với cơm trắng trong các bữa điểm tâm, dùng làm món khai vị hoặc bữa trưa nhẹ.

Không chỉ trong bữa cơm gia đình, mà tại các quán ăn, miso là món luôn được thực khách yêu cầu. Đối với hầu hết người Nhật, mỗi ngày, họ dùng ít nhất một lần món súp miso trong các bữa ăn.

Cà tím nướng ăn cùng tương miso

Ngoài việc dùng để nấu súp, miso còn đóng vai trò như một thứ gia vị linh hoạt, sử dụng rộng rãi trong rất nhiều món ăn. Không chỉ khiến cho hương vị món ăn thêm đậm đà, miso còn góp phần tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Nhật.

Tại chùa Saizo ở Hiroshima có thờ vị Bồ tát Địa tạng có tên gọi Bồ tát Địa tạng miso. Nhiều tín đồ Phật giáo trên khắp Nhật Bản đã đến chùa Saizo để cầu nguyện Bồ tát Địa tạng miso phù hộ cho họ.

Theo truyền thống, trước tiên, người ta đặt gói miso lên đầu của tượng Bồ tát, sau đó, đặt lên đầu mình và cầu nguyện Bồ tát Địa tạng miso phù hộ giúp họ vượt qua bệnh tật, thi cử hay có được sự minh mẫn. Ngay từ thời xa xưa, miso đã có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống cũng như tâm linh của người Nhật.

Tại tỉnh Shimane, thuộc vùng Izumo, từ xưa, người dân trong vùng đã có tập quán pha miso cùng với nước cho bò cái uống sau khi sinh. Họ cho rằng, nước miso rất bổ dưỡng, giúp bò mẹ mau phục hồi sức khỏe, đồng thời tiết nhiều sữa nuôi con. Quan niệm lâu đời của người dân vùng Izumo đã được chứng minh qua các cuộc nghiên cứu khoa học về dưỡng chất có trong miso.

Miso còn có mùi hương rất đặc trưng. Người Nhật cho rằng, mùi hương này kích thích não bộ hoạt động mạnh mẽ. Từ thời xưa, mùi hương của miso đã được người dân Nhật Bản ví như mùi của phụ nữ hay còn được gọi là ngôn ngữ của nữ giới.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *