Di Hòa Viên – một tòa kiến trúc do hoàng đế Càn Long xây dựng, đã có lịch sử hơn 250 năm. Di Hòa Viên là lâm viên to lớn thứ hai sau Viên Minh Viên do hoàng đế nhà Thanh xây dựng, đồng thời, nó cũng là lâm viên hoàng gia cuối cùng.
Sau khi hoàn thành công trình mở rộng Viên Minh Viên, hoàng đế Càn Long hy vọng có thể xây dựng một lâm viên hoàn mỹ hơn. Năm 1750, cùng lúc cải tạo Tây Hồ, cung điện đầu tiên của Di Hòa Viên đã bắt đầu xây dựng. Hoàng đế Càn Long nói rằng, cung điện này là lễ vật ông dâng tặng mẹ ông nhân đại thọ 60 của bà. Để chúc mừng đại thọ của thái hậu, Hoàng đế Càn Long đã đổi tên Ung Sơn thành Vạn Thọ Sơn, đổi Tây Hồ thành hồ Côn Minh.
Vạn Thọ Sơn nhìn từ hồ Côn Minh |
Sau khi xây dựng hoàn tất, Di Hòa Viên chiếm diện tích 2,9 km vuông, tương đương 2/3 Viên Minh Viên. Di Hòa Viên có hơn 3000 tòa cung điện, chiếm diện tích hơn 70000 mét vuông, được xem là tác phẩm đỉnh cao của lâm viên Trung Quốc. Di Hòa Viên thể hiện trí tưởng tượng giàu tính sáng tạo của hoàng đế Càn Long.
Di Hòa Viên thể hiện trí tưởng tượng giàu tính sáng tạo của hoàng đế Càn Long |
Phật Hương Các là kiến trúc cao nhất trong Di Hòa Viên, được xây dựng trên đài bằng đá rất lớn. Có 9 tòa kiến trúc sắp xếp theo thứ tự từ dưới chân núi Vạn Thọ Sơn lên đến Phật Hương Các trên đỉnh núi. Từ chân núi nhìn lên trên, Phật Hương Các tạo nên một cảnh tượng hùng vĩ.
Phật Hương Các |
Hành lang dài phân cách Vạn Thọ Sơn và hồ Côn Minh là hành lang có vẽ tranh trên trần trên cột dài nhất trên Thế giới, với tổng chiều dài là 728 mét. Khi bước đi trong hành lang, phong cảnh hai bên biến đổi lạ thường, khiến người xem tận hưởng niềm vui cảnh sắc thay đổi theo từng bước chân rất độc đáo của lâm viên Trung Quốc.
Hành lang dài phân cách Vạn Thọ Sơn và hồ Côn Minh là hành lang có vẽ tranh trên trần trên cột dài nhất trên Thế giới |
Di Hòa Viên là viện bảo tàng lâm viên sơn thủy Trung Quốc đã ngưng tụ tinh hoa nghệ thuật xây dựng vườn cây cảnh Trung Quốc. Năm 1860, Viên Minh Viên đã bị phá hủy trong khói lửa chiến tranh, Di Hòa Viên cũng gặp sự phá hủy tương tự, phần lớn kiến trúc lâm viên bị thiêu rụi, bộ mặt thay đổi hoàn toàn, gần như hoang phế.
26 năm sau, Hoàng đế Quang Tự tiến hành trùng tu lại Di Hòa Viên. Lúc bấy giờ, người nắm giữ quyền lực cao nhất nhà Thanh là Từ Hi Thái hậu. Sau khi bước vào Di Hòa Viên, Từ Hi Thái hậu đã xây dựng nhiều cung điện theo ý riêng trong lâm viên xinh đẹp này.
Con sư tử đá trước Đông Cung Môn |
Đông Cung Môn là cửa chính của Di Hòa Viên, cũng là khởi điểm tuyến đường du lịch của các du khách. Bước vào cửa cung, trước mặt là một tòa cung điện mang tên Điện Cần Chính. Năm xưa, đây là nơi Hoàng đế Càn Long giải quyết chính sự. Về sau, Từ Hi Thái hậu trùng tu và đổi tên thành điện Nhân Thọ. Điện Nhân Thọ là nơi Từ Hi Thái hậu gặp gỡ các quan đại thần và đón tiếp sứ giả các nước.
Kiến trúc bên tong Di Hòa Viên |
Kiến trúc Di Hòa Viên thay đổi khôn lường. Nơi đây đã tập trung tinh hoa của nhiều kiến trúc lâm viên. Nét trang nhã, mềm mại, kín đáo của vùng sông nước Giang Nam; cung điện hoàng gia phú lệ, đường hoàng; đền chùa tôn giáo trang nghiêm, cung kính; nhà ở tinh xảo, mới mẻ đều thể hiện trong Di Hòa Viên.
Cây cầu bằng đá dài 150 mét là kiến trúc trên nước hùng vĩ nhất trong Di Hòa Viên. Cầu đã nối liền đảo Nam Hồ với đất liền. Đứng trên Vạn Thọ Sơn nhìn ra xa, chiếc cầu giống như là cầu vồng nổi trên sóng nước màu xanh biếc. Trên cây cầu đá này có đặt 544 con sư tử đá, hình thái khác nhau, vô cùng sinh động.
544 con sư tử đá trên cầu có hình thái vô cùng sinh động |
Trong thành phố Bắc Kinh huyên náo và phồn hoa, những lâm viên hoàng gia xinh đẹp này đã gánh vác lịch sử nặng nề. Tuy câu chuyện ngày trước đã bị phủ kín bởi bụi thời gian nhưng sự hấp dẫn mê hoặc của nghệ thuật ngưng tụ trong lâm viên sẽ xuyên qua bức tường thời gian trở thành tài sản quý báu chung của toàn nhân loại.
Hồng Mẫn