Ở Hàng Châu, tâm tình của văn nhân hòa cùng nhà Phật. Nhiều chùa chiền đã được xây dựng lên. Thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc thế kỷ thứ X là thời kỳ cát cứ lớn trong lịch sử Trung Quốc.

Lúc bấy giờ, Hàng Châu là kinh đô của nước Ngô Việt. Ngô Việt Vương Tiền Lưu là một người rất tôn sùng đạo Phật. Ở phương Nam, Ngô Việt Vương đã xây dựng bờ đê dài hơn 100 dặm dọc theo sông Tiền Đường và đưa Phật giáo trở thành tín ngưỡng chung của nhân dân địa phương.

Do chịu ảnh hưởng giáo lý Phật giáo nên trong hơn mấy mươi năm thống trị, ông đã thực hiện chính sách “bảo cảnh an dân”, khiến Hàng Châu tránh được nhiều loạn lạc. Lâm viên chùa miếu ở đây đạt đến sự phát triển rực rỡ. Chùa chiền mọc lên san sát với số lượng lên đến 480 ngôi chùa. Thời đại Phật pháp phát triển rầm rộ đã giúp Hàng Châu được mệnh danh là “Phật Quốc Đông Nam”

Chùa Linh Ẩn được xây dựng lần đầu năm 326

Chùa Linh Ẩn nằm trong thung lũng dưới chân núi Linh Ẩn, cách Tây Hồ không xa. Chùa còn có tên gọi khác là Vân Lâm Thiền Tự, là một trong 10 ngôi chùa lớn nhất Trung Quốc. Năm xưa, Tiền Lưu Vương đã hai lần tiến hành xây dựng mở rộng khuôn viên chùa. Hàng ngàn năm qua, hương khói chùa vẫn nghi ngút lan tỏa và không bao giờ vắng bước chân khách hành hương khắp nơi về viếng chùa. Kiến trúc chùa Linh Ẩn thể hiện tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc lâm viên chùa miếu cổ đại Trung Quốc.

Điện thờ chính là Đại hùng Bảo Điện, có quy mô rất lớn, khí thế ngất trời với kiến trúc một tầng, mái hiên xếp chồng lên nhau. Điện chính cao 33.6 met. Trong điện, người dân phụng thờ bức tượng Phật Thích Ca cao 24.8 met, thân tượng dát vàng rực rỡ. Đây là kiệt tác điêu khắc tượng Phật cổ đại Trung Quốc.

Tượng Phật Thích Ca cao 24.8 met dát vàng rực rỡ được thờ bên trong chùa Linh Ẩn

Tuy bố cục của chùa Linh Ẩn lấy kiến trúc Phật giáo làm chủ đạo, nhưng về mặt chỉnh thể, nó thể hiện cách thức và bố cục lâm viên điển hình. Trong chùa, cây cổ thụ vươn tận trời xanh, tượng Phật đứng san sát nhau đã tạo nên không khí tôn giáo nghiêm trang, hài hòa.

50 bức tượng La hán đứng san sát nhau tạo không khí trang nghiêm cho chùa Linh Ẩn

Trên vách đá cheo leo xung quanh chùa Linh Ẩn, nhiều tượng Phật được khắc trên đá rất nổi tiếng với những đường nét cổ kính, phủ đầy rêu phong. Người xưa đã mượn thế núi tự nhiên để đục đẽo tượng trên vách đá, tạo nên hình ảnh sống động như thật. Tổng cộng có khoảng 330 bức tượng Phật với niên đại trên 10 thế kỷ. Chúng có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo, lịch sử nghệ thuật điêu khắc tượng và lịch sử nghệ thuật kiến trúc.

Những bức tượng Phật được khắc trên vách đá

Có chuyên gia cho rằng, nghệ thuật lâm viên Trung Quốc bắt đầu ở hoàng cung nhưng lại “thoát thai” từ lâm viên chùa miếu. Có lẽ từ đời nước Ngô Việt, Hàng Châu phổ biến việc xây dựng chùa miếu, làm xuất hiện quần thể kiến trúc lâm viên mang đặc trưng văn hóa Phật giáo rõ nét khu vực xung quanh Tây Hồ.

Tháp Lôi Phong – nằm ở phía trước chùa Tịnh Từ – là một ngọn tháp rất nổi tiếng trong nhiều ngọn tháp ở Tây Hồ. Đây là ngọn tháp Phật kiểu lầu các với kết cấu gạch gỗ 8 mặt. Tháp Lôi Phong được xây dựng từ thế kỷ XI, tức năm Thiên Bảo thứ 8, đời Bắc Tống. Tháp nằm ở phía Nam Tây Hồ Hàng Châu, phía dưới chân núi Nam Bình. Khi mặt trời chiếu rọi, bóng tháp in xuống mặt hồ trong ánh vàng rực rỡ.

Tòa tháp này đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Nó đã từng sụp đổ bởi sấm sét và chiến tranh. Vào giữa năm Gia Tĩnh đời Minh, khi quân Nhật Bản xâm chiếm Hàng Châu, nghi ngờ trong tháp Lôi Phong có phục binh nên họ đã phóng lửa thiêu rụi mái hiên kết cấu gỗ, khiến Lôi Phong chỉ còn lại thân tháp bằng gạch. Từ đây, bên bờ Tây Hồ, ngọn tháp hư hại đứng cô độc trong suốt 400 năm và trở thành cảnh quan độc đáo trong 10 cảnh đẹp ở Tây Hồ.

Tháp Lôi Phong nằm phía Nam Tây Hồ Hàng Châu, dưới chân núi Nam Bình

Năm 1924, tháp Lôi Phong sụp đổ. Lúc bấy giờ, nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Lỗ Tấn có viết một bài văn kể về việc sụp đổ của tháp Lôi Phong, dùng tư tưởng sắc bén để khắc đậm truyền thuyết Bạch Xà thê lương.

Theo truyền thuyết, ở Tây Hồ có một con bạch xà tu luyện thành tiên, hóa thành một cô gái xinh đẹp. Bạch xà và Hứa Tiên đã kết duyên nhân – xà. Tình yêu của họ vấp phải sự phản đối của hòa thượng Pháp Hải. Ông đã chia cắt tình cảm hai người, đồng thời trấn áp Bạch Xà dưới chân tháp Lôi Phong. Do đó, sự sụp đổ của tháp Lôi Phong đã nhận được sự tán thưởng của nhà văn Lỗ Tấn, ẩn ý công kích chế độ phong kiến.

Tháp Lôi Phong mà mọi người nhìn thấy ngày nay là tòa tháp được xây dựng lại năm 2002 dựa theo ghi chép trong lịch sử.

Hứa Tiên và Bạch Nương Tử, trong truyền thuyết, đã gặp nhau trên cầu Đoạn Kiều. Đây là nơi có cảnh đẹp độc đáo nhất trong 10 cảnh đẹp của Tây Hồ. Hàng Châu nằm ở vùng Giang Nam, rất hiếm khi nhìn thấy tuyết rơi nhiều. Một khi trời nhả tuyết, Tây Hồ sẽ xuất hiện nhiều sắc cảnh tuyệt đẹp. Vào lúc này, trên cầu Đoạn Kiều và trên Bạch Đê sẽ xuất hiện nhiều cảnh quan kỳ lạ. Sau khi tuyết ngừng rơi, mặt trời chiếu rọi, năng tuyết trên cầu và con đê vẫn phủ đầy, nhìn từ xa, cầu và con đê như bị chia cắt làm đôi.

Tuyết phủ trắng xóa trên cầu Đoạn Kiều – một trong mười cảnh đẹp ở Hàng Châu

Lâm viên Hàng Châu tuyệt đẹp là mảnh đất quý tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác dạt dào cho thi nhân. Đây cũng là nơi gặp gỡ của nhiều giai nhân, tài tử, tạo nên bầu không khí thơ mộng và lãng mạn.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *