Lợi thế biển cả bao bọc nên ngư nghiệp phát triển khá mạnh ở Nhật Bản, kèm theo đó là sự tôn sùng thần Mặt trời, thần biển. Truyền thống này thể hiện rất rõ tại vùng duyên hải Sanriku thuộc tỉnh Miyagi.

Vùng duyên hải Sanriku thuộc tỉnh Miyagi

Theo thông lệ, trước khi rời cảng ra biển đánh bắt, người ta sẽ tổ chức buổi lễ hạ thủy cho những chiếc thuyền mới. Chủ thuyền sẽ ném những chiếc bánh ra khỏi thuyền, tượng trưng cho sự xua đuổi tai ương. Trên thuyền treo rất nhiều cờ xí được trang trí hoa văn sặc sỡ cùng những dòng chữ cầu mong thần Mặt trời mang lại bình an và những chuyến đi biển bội thu.

Trên thuyền treo rất nhiều cờ xí được trang trí hoa văn sặc sỡ

Ngoài ra, trên thuyền còn thờ Goshintai – những vật tượng trưng cho hình ảnh của các vị thần trong tín ngưỡng Thần đạo. Đó có thể là mảnh giấy trắng, viên đá, thanh gươm hay chiếc gương…Thần đạo đặc biệt đề cao thiên nhiên vì người Nhật cho rằng, sức mạnh của tự nhiên nằm trong tay các vị thần. Do đó, việc cầu nguyện bình an khi đi biển là rất cần thiết.

Lễ vật của nghi thức cầu nguyện là chiếc thuyền gỗ nhỏ có tên gọi Ryugusen. Trên thuyền gỗ bày trí một chai rượu sake, muối và bánh. Khi nghi thức cầu nguyện hoàn tất, thuyền gỗ Ryugusen sẽ được cho chạm nước. Sau đó, nó được đưa lên một chiếc thuyền nhỏ để đưa đến một đền thờ Thần đạo gần đó.

Kết thúc lễ hạ thủy, chiếc thuyền nhanh chóng hướng ra biển, bắt đầu chuyến đánh bắt đầu tiên với niềm tin vững chắc rằng, những chuyến đi sẽ bình an và đầy ắp cá.

Từ xưa, người Nhật đã có thói quen ăn cá

Từ xưa, người Nhật đã có thói quen ăn cá. Điều này được chứng minh qua nhiều phát hiện trong lĩnh vực khảo cổ. Các nhà khoa học đã tìm thấy những mảnh xương cá có tuổi thọ cách nay trên 4.000 năm. Chúng là xương của loài cá ngừ, cá nishin, cá saba và nhiều loài cá khác. Tất cả được trưng bày tại điểm khảo cổ Sannai Maruyama ở tỉnh Aomori.

Thiên hoàng Tenmu, trị vì Nhật Bản vào thế kỉ thứ VII, là người sùng bái Phật giáo, do đó đã ban hành qui định cấm sát sinh. Theo qui định, người dân không được giết bò, lợn hay gà vịt để ăn thịt. Để thay thế chất đạm quan trọng từ những loại thịt bị cấm, đồng thời tạo sự phong phú cho bữa ăn, người Nhật tăng cường sử dụng cá. Lúc bấy giờ, biển cả trở thành nơi cung cấp nguồn thực phẩm giá trị, nghề đánh bắt thủy sản phát triển mạnh mẽ với những kỹ thuật cải tiến.

Để thay thế chất đạm quan trọng từ những loại thịt bị cấm, người Nhật tăng cường sử dụng cá

Không chỉ ngoài biển khơi, mà ngay cả tại các dòng sông, sản lượng cá đánh bắt được cũng rất lớn. Lúc bấy giờ đã xuất hiện thuyền lớn phục vụ cho những chuyến đánh cá xa bờ.

Lượng cá dồi dào đổ về các chợ. Để nhanh chóng giải quyết nguồn hải sản khổng lồ này, đồng thời đảm bảo cá lúc nào cũng tươi ngon, người ta bắt đầu chú trọng phát triển các kỹ thuật chế biến và bảo quản cá.

Đến thời Edo, cuộc sống của người dân phồn thịnh, họ bắt đầu thay đổi thói quen ăn uống, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực. Tại đô thị, những quầy hàng lưu động nhanh chóng xuất hiện, đáp ứng nhu cầu ăn uống của số lượng dân cư đông đúc. Thế mạnh của quầy hàng lưu động là những món ăn nhanh nhưng lại ngon và rẻ. Một trong những món đặc sắc nhất vào thời điểm này là cơm kết hợp với hải sản tươi sống hoặc chín, gọi là sushi.

Sushi

Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, đất nước Nhật Bản rơi vào tình thế hết sức khó khăn, kinh tế suy giảm nặng nề, người dân sống trong cảnh thiếu thốn mọi thứ. Ngành đánh bắt hải sản cũng chịu chung số phận. Sản lượng cá đánh bắt được lúc bấy giờ giảm sút đáng kể.

Thập niên 1970 được xem là “sự thần kì của nền kinh tế Nhật Bản”. Tổng sản lượng quốc gia của Nhật vào năm 1973 bằng 1/3 của Mỹ và đứng hàng thứ 2 trên thế giới, vượt qua nhiều nước kinh tế phát triển ở châu Âu. Giống như nhiều ngành kinh tế khác, ngư nghiệp hồi sinh, nhiều tàu đánh bắt lớn được hạ thủy, thực hiện những chuyến hải trình ở các vùng biển xa.

Trong số các loại hải sản thì cá ngừ được người Nhật sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sản lượng đánh bắt cá ngừ nội địa giảm mạnh khiến chính phủ Nhật Bản phải nhập khẩu loại cá này để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong nỗ lực giảm lượng cá ngừ nhập khẩu và đối phó với sự sụt giảm sản lượng đánh bắt, các nhà khoa học trong ngành thủy sản Nhật Bản đã tiến hành công tác nghiên cứu và nuôi cá ngừ nhân tạo. Công việc này lúc đầu vấp phải rất nhiều khó khăn.

Cá ngừ được người Nhật sử dụng nhiều nhất

Để đạt được thành công, họ phải tìm hiểu vòng đời sinh trưởng của loài cá này, từ giai đoạn cá bột đến khi trưởng thành. Làm cách nào cho cá đẻ trứng trong môi trường nuôi nhốt là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Vào năm 2002, mẻ trứng cá ngừ đầu tiên với số lượng khoảng 1.900.000 trứng đã ra đời tại Trung tâm nghiên cứu cá ngừ Kushimoto thuộc tỉnh Wakayama. Đây cũng là thành công đầu tiên trên thế giới thuộc lĩnh vực này. Sau hai năm nuôi dưỡng, những con cá ngừ trưởng thành được mang ra thị trường. Khách hàng tỏ ra e ngại với sản phẩm thịt cá ngừ không phải tự nhiên này nhưng chất lượng của chúng đã thuyết phục họ. Đây được xem là một bước thành công trong ngành thủy sản Nhật Bản, song, mục tiêu của họ sẽ không dừng lại ở đó khi mà nhiều loài hải sản đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *