Khác với Tết của người phương Tây diễn ra chỉ 1 ngày đầu tháng Giêng Dương lịch, Tết âm lịch của một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, kéo dài trong nhiều ngày liền với các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa đầy ý nghĩa.
Tết Seollal của Hàn Quốc
Giống như Việt Nam, năm mới ở Hàn Quốc cũng bắt đầu từ ngày 1 tháng Giêng âm lịch, nhưng trên thực tế, không khí Tết đã tràn ngập từ những ngày cuối năm trước đó. Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần.
Trong những ngày Tết, mọi người đều mặc trang phục truyền thống Hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất để hành lễ thờ cúng tổ tiên.
Chuẩn bị bàn thờ cúng tổ tiên
Buổi sáng ngày mùng 1 luôn được bắt đầu với nghi lễ tạ ơn tổ tiên. Các thành viên trong gia đình mặc trang phục truyền thống, đứng trước bàn thờ với các món ăn đã được dọn sẵn theo đúng lễ nghi. Nghi lễ được bắt đầu với việc cúi chào thành kính tượng trưng cho lời chào hỏi linh hồn tổ tiên, sau đó là nghi lễ thờ cúng khấn vái, và cuối cùng là nghi lễ lạy tạ.
Sau nghi lễ, mọi người sẽ cùng ăn các món vừa được dâng cúng tổ tiên; trong số đó có món canh bánh gạo Tteokguk – món chính trong ngày Tết Seollal.
Cùng nhau làm món canh Tteokguk để ăn trong dịp năm mới
Cũng giống như bánh chưng hay bánh tét của Việt Nam, bánh Tteokguk không thể thiếu trong ngày tết của Hàn Quốc. Loại bánh này được xem như “linh hồn” trong mâm cỗ vào những dịp lễ, tết truyền thống của xứ sở Cao Ly.
Để nấu món canh Tteokguk, người ta nhồi bột gạo sau đó nặn thành từng thanh bánh gạo Garaetteok. Những thanh bánh gạo này tượng trưng cho sức khỏe đối với mỗi thành viên trong gia đình. Ngoài ra người ta dùng nó còn với hy vọng tài sản của họ sẽ nhiều như thanh bánh gạo.
Sau bữa ăn, những người trẻ trong gia đình sẽ thể hiện lòng kính trọng của mình với người lớn tuổi bằng cách hành lễ, và biếu quà tặng. Họ hy vọng ông bà, cha mẹ sẽ luôn khỏe mạnh và sống lâu với con cháu.
Chúc thọ người lớn tuổi
Sau khi nhận lời chúc từ con cháu, người lớn trong gia đình sẽ chúc lại, đồng thời trao cho con cháu bao sebaetdon, tức tiền lì xì hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý giá nào đó tùy thuộc vào độ tuổi, vị trí của chúng trong gia đình và đương nhiên là cả hoàn cảnh, quan niệm của từng gia đình.
Trong những ngày Tết, nhà nào cũng treo Bok jo ri ở ngoài cửa. Bok jo ri là một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi. Người Hàn Quốc treo vật này ngoài cửa với mong muốn nhận được phúc lộc quanh năm.
Với trẻ em Hàn Quốc, Tết còn là dịp chúng được thỏa sức tham gia vào các trò chơi dân gian tổ chức tại những nơi công cộng như: jegichagi tức đá cầu, chơi yutnori – một trò chơi có từ thời Tam Quốc, đánh cờ, thả diều… Hầu hết các trò chơi dân gian trong ngày Tết đều dành cho trẻ em.
Trẻ em tha hồ tham gia các trò chơi trong dịp Tết
Tết Tsagaan Sar của Mông Cổ
Ở đất nước Mông Cổ, Tết Tsagaan Sar hay còn gọi là Tết Tháng Trắng kéo dài từ ngày mùng 1 cho đến hết mùng 3 tháng giêng âm lịch. Đối với người Mông Cổ, Tsagaan Sar là sự chấm dứt của mùa đông và bắt đầu mùa xuân. Bên cạnh đó, Tết còn là dịp để mọi người sum họp gia đình, thờ cúng tổ tiên, đi chơi và thăm thú bạn bè.
Cũng giống như nhiều dân tộc khác ở châu Á, ngày mùng 1 tết rất quan trọng đối với người dân Mông Cổ. Họ quan niệm mọi sinh hoạt trong ngày đó diễn ra thế nào thì cả năm cũng sẽ như vậy.
Người Mông Cổ chuyền tay nhau miếng vải màu xanh tượng trưng cho niềm tin, lòng thành
Vào ngày đầu năm mới, mọi người dậy sớm trước khi mặt trời mọc, họ mặc trang phục dân tộc mới đầy màu sắc tượng trưng cho sự hòa hợp. Riêng cánh nam giới thì kéo nhau lên núi hướng về phía mặt trời mọc và cầu nguyện.
Mặt trời vừa ló dạng là những người trong gia đình gặp gỡ và chào hỏi nhau. Sự kính trọng người cao tuổi được in sâu trong nền văn hóa Mông Cổ. Vào ngày mùng 1 Tết, người Mông Cổ thường tụ họp ở nhà của người lớn tuổi nhất trong gia tộc để chúc tết. Trong khi chúc tết, các thành viên trong gia đình cầm và chuyền tay nhau những miếng vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho lòng thương, điềm lành. Sau đó, mọi người cùng ăn uống và trao cho nhau những món quà, cầu chúc một năm mới thịnh vượng, ấm no.
Món truyền thống trong ngày Tết của người Mông Cổ
Món ăn truyền thống trong tết Tsagaan sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz, thịt cừu, thịt bò; thức uống thì có sữa ngựa lên men, rượu cùng các sản phẩm từ sữa.
Tết Songkran của người Thái
Đối với người Thái Lan, Tết cổ truyền không phải vào ngày 1 tháng Giêng âm lịch như một số quốc gia trong khu vực mà diễn ra vào trung tuần tháng 4 hàng năm. Tuy nhiên, về mặt ý nghĩa, Tết Songkran hay còn gọi là Tết té nước của người Thái vẫn không khác biệt so với tết truyền thống của một số nước châu Á khác.
Tết Songkran theo phong tục của người Thái có tên gọi chính thức là T’rut-Song-kran. T’rụt trong tiếng Thái nghĩa là cuối năm, còn Sổng-kran nghĩa là mặt trời bắt đầu một vòng quay mới. Vì thế, T’rụt-Sổng-kran có nghĩa là kết thúc một năm cũ, bắt đầu một năm mới theo lịch của người Thái. Đối với người dân quốc gia Đông Nam Á này, Tết Songkran chính là biểu tượng của tình đoàn kết và tình cảm gia đình.
Vào những ngày này, một trong những nghi lễ quan trọng đầu tiên phải nhắc đến đó là lên chùa lễ Phật và nghe giảng kinh. Mọi người thường thức dậy từ sáng sớm để tắm sạch sẽ, chuẩn bị thức ăn dâng lên chùa và các vị sư. Với lòng thành kính, mọi người sẽ cùng nhau tụng kinh dưới sự hướng dẫn của vị sư trụ trì để cầu chúc cho một năm mới tốt đẹp đang đến.
Đắp các tháp cát nhỏ tại chùa cũng là một phong tục đẹp trong ngày Tết Songkran. Người Thái tin rằng, mỗi lần họ đến chùa và ra về là chân họ đã mang theo những hạt cát của chùa. Vì thế, một năm qua đi họ phải trả lại cát cho chùa bằng cách đắp những tháp nhỏ bằng cát vào ngày Tết năm mới. Phong tục này cũng có ý nghĩa xây dựng thêm tình đoàn kết giữa con người với con người.
Ngoài ra, người Thái Lan còn thực hiện một số nghi thức khác như phóng sinh chim, cá. Nhưng có lẽ phong tục thú vị nhất phải kể đến chính là tục té nước với mong muốn nước sẽ gột rửa hết buồn phiền để đón mừng năm mới. Đó là một ngày hội nhộn nhịp, vui vẻ và hấp dẫn thực sự đối với những ai đã từng tham gia, nhất là những du khách nước ngoài.
Tết Xuân của Trung Quốc
Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua ngày tết của người Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi tết âm lịch của họ là Tết Xuân. Đây là dịp lễ truyền thống lớn nhất và long trọng nhất của quốc gia châu Á này.
Theo tập tục dân gian Trung Quốc, ý nghĩa rộng của tết Xuân là khoảng thời gian bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch, kéo dài đến ngày rằm tháng Giêng năm mới. Trong thời gian này, ngày 30 tháng Chạp giao thừa và mồng một Tết là thời điểm quan trọng nhất.
Trước tết, mọi người đã quét dọn nhà cửa, giặt giũ với ý nghĩa là gạt bỏ rủi ro của năm cũ, đón mừng sự may mắn của năm mới. Họ trang hoàng nhà cửa bằng cách dán câu đối, tranh tết, thắp đèn lồng. Trong dịp tết, trên thị trường bán rất nhiều câu đối và tranh tết với hàm ý cầu mong cuộc sống hạnh phúc, kinh doanh phát đạt.
Tối 30 tết, cả gia đình quây quần cùng ăn bữa cơm đoàn tụ. Các món ăn là những món truyền thống trong đó không thể thiếu đậu phụ, cá, gà, sủi cảo với ý nghĩa mang lại sự may mắn.
Trước thời khắc giao thừa, người ta đốt pháo để đón mừng năm mới. Đây là tập quán bắt nguồn từ thời xa xưa nhằm xua đuổi tà ma. Đến mùng một, mọi người mặc quần áo mới bắt đầu đón khách đến chúc tết hoặc để đi chúc Xuân.
Các hoạt động trong ngày tết ở Trung Quốc rất phong phú, trong đó không thể thiếu hội Hoa đăng và những màn trình diễn lân sư rồng đặc sắc. Theo quan niệm của người Trung Quốc, lân – sư – rồng là 3 con vật thần thoại giúp xua đuổi tà ma, tượng trưng cho thịnh vượng, hạnh phúc và may mắn.
Thanh Tâm – Hồng Hậu