Sumo không đơn thuần là môn võ dùng để tranh tài, ở đó còn thể hiện những nét văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người Nhật.
Sumo ra đời cách nay 1.500 năm trên tinh thần là một môn đấu vật thể hiện sức mạnh. Sau đó, người ta dùng nó trong nghi lễ bói toán để dự đoán xem vụ mùa có bội thu hay không. Đến thế kỷ 18, sumo phát triển thành một hình thức giải trí quần chúng rất được yêu thích. Ngày nay, sumo không chỉ gói gọn trong các cuộc tranh tài dành cho những võ sĩ chuyên nghiệp mà còn được xem như môn thể thao rèn luyện tinh thần và sức khỏe cho các em nhỏ.
Những năm gần đây, người nước ngoài cũng rất quan tâm đến sumo. Số lượng võ sĩ sumo chuyên nghiệp người ngoại quốc không ngừng gia tăng.
Hai võ sĩ có thân hình đồ sộ, mỗi người khoảng hơn 100 kg, đang lao vào nhau và cố sức quật ngã đối phương là hình ảnh nổi tiếng trong môn võ Sumo của Nhật Bản. Theo qui định, hai võ sĩ sumo thi đấu trong một vòng tròn, ai đẩy được đối thủ ra khỏi vòng hoặc làm cho bất kỳ một bộ phận trên người đối thủ, trừ lòng bàn chân, chạm đất sẽ giành chiến thắng. Trên khán đài, khán giả đủ mọi thành phần, lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến các bậc cao niên, từ đàn ông cho đến phụ nữ … cuồng nhiệt cổ vũ cho cuộc đấu.
Võ đài thi đấu của các võ sĩ sumo được gọi là Dohyo với đường kính 4,55 mét. Vòng tròn được bện bằng rơm khô nằm lọt thỏm bên trong cái bệ cao hình vuông làm từ đất sét trộn với cát. Bên trên võ đài dohyo là mái che treo Tsuriyane được thiết kế cầu kỳ. Mái che mô phỏng theo kiến trúc của mái đền Thần Đạo. Điều này thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng Thần Đạo trong sumo.
Võ đài đúng qui tắc phải được thiết kế dựa trên 3 yếu tố cơ bản mang tính biểu tượng như sau: mái che treo tsuriyane hình tam giác, võ đài dohyo có hình tròn và phần bệ của võ đài hình vuông Võ đài sumo là không gian linh thiêng tượng trưng cho một ngôi đền Thần đạo.
Trong 1 trận đấu, sự thắng bại của mỗi võ sĩ được định đoạt rất nhanh. Mỗi trận đấu sumo thường chỉ kéo dài vài giây đến 1 phút. Võ sĩ được xem là chiến thắng khi đẩy đối phương ra khỏi vòng tròn dohyo hoặc quật ngã đối phương xuống sàn đấu.
Trọng tài trong trận đấu sumo được gọi là Gyoji. Ngoài nhiệm vụ phân định thắng thua, trọng tài còn chủ trì các nghi thức Thần đạo liên quan đến trận đấu.
Cũng như các đấu sỹ, trọng tài cũng có nhiều cấp bậc, cấp cao nhất gọi là Tate-gyoji. Những trọng tài ở cấp bậc này mặc trang phục truyền thống giống như các vị thầy tu trong Thần Đạo. Khi điều khiển một trận đấu, tay phải trọng tài cầm 1 cây quạt gỗ, trên thắt lưng giắt 1 chiếc dao găm.
Võ sĩ sumo chuyên nghiệp được gọi là Ozumo. Danh sách thể hiện đầy đủ tên của từng võ sĩ và cấp bậc của họ được gọi là Banzuke. Banzuke được trình bày theo quy tắc rõ ràng, tên của những võ sĩ có cấp bậc cao nhất – tức những Yokozuna – nằm ở hàng trên, viết bằng chữ to, in đậm trong khi tên của những võ sĩ cấp bậc thấp nhất – những Jonokuchi – nằm ở hàng dưới, viết bằng chữ nhỏ, nét mảnh. Bảng danh sách banzuke được công bố trước khi giải đấu bắt đầu khoảng 2 tuần.
Mỗi năm, tại Nhật Bản, người ta tổ chức 6 giải đấu sumo chuyên nghiệp. Mỗi giải đấu kéo dài trong khoảng 15 ngày. Đối với các võ sĩ sumo, các giải đấu này rất quan trọng, nếu võ sĩ nào giành chiến thắng trong nhiều vòng đấu của mỗi giải, cấp bậc của họ sẽ được nâng lên, ngược lại nếu không giữ được phong độ họ sẽ bị hạ bậc.
Trước khi trận đấu bắt đầu, trọng tài cầm một chiếc quạt giấy đưa ra trước mặt và xướng to tên của hai võ sĩ bằng giọng ngâm đặc biệt. Hai võ sĩ được xướng tên bước lên võ đài, tiến vào vòng tròn dohyo, họ cùng thực hiện một số nghi thức bắt buộc. Trước tiên, cả hai thực hiện tư thế ngồi xổm, họ dang rộng hai cánh tay và bàn tay mở ra chứng tỏ không có mang vũ khí. Kế đến là nghi thức Shikiri, tức chuẩn bị giao chiến. Hai võ sĩ đứng đối diện nhau rồi khom lưng thấp xuống, dùng nắm tay cung lại thành quyền chống xuống mặt đất tại vạch trắng phân chia ranh giới của 2 võ sĩ trên sàn đấu. Mắt họ nhìn thẳng về phía đối phương.
Sau nghi thức Shikiri, hai võ sĩ đứng lên bước ra khỏi vòng tròn dohyo. Họ dùng muối rải khắp sàn đấu với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ và chứng minh mình trong sạch.
Tiếp theo là nghi thức Tachi Ai, tức chạm mặt. Đó là lúc hai võ sĩ ngồi xổm, tay cung lại, mắt nhìn thẳng vào mặt nhau. Trong tích tắc, cả hai chợt đứng lên và lao vào nhau giao chiến. Ðây là hình thức mở màn cho trận đấu mang tính đặc trưng của môn Sumo. Bởi lẽ, hai võ sĩ không cần đợi hiệu lệnh từ trọng tài mà họ tự quyết định giao chiến sau khi đã chuẩn bị tinh thần và tư thế qua nghi thức Shikiri.
Để chiến thắng, các võ sĩ cần phải vật ngã đối thủ xuống đất hay đẩy đối thủ ra khỏi vòng tròn trên võ đài. Khi thi đấu, võ sĩ chỉ được phép kéo dây đai mawashi quanh bụng của đối phương, không được phép kéo dây đeo quanh háng. Đối với những võ sĩ có thành tích đặc biệt trong trận đấu, sau khi giành chiến thắng họ sẽ nhận tiền thưởng từ tay trọng tài ngay trên sàn đấu.
Thanh Tâm