Mỗi năm, có khoảng 150.000 người tham gia hành hương trên đảo Shikoku. Hiện nay, bên cạnh những người hành hương đi bộ thì cũng không ít người sử dụng xe bus và xe hơi cá nhân. Với cách di chuyển này, họ chỉ mất khoảng 1 tuần để đến 88 ngôi chùa. Tuy nhiên, đa phần người hành hương chọn các phương tiện trên đều là người cao tuổi và nữ giới.
Với những người hành hương không bị ràng buộc bởi điều kiện sức khỏe và thời gian thì họ thử sức bằng chuyến đi bộ dài ngày một mình hoặc đi theo nhóm.
Gần đây, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người hành hương có thể viết nhật ký hàng ngày của chuyến đi trên điện thoại di động và gửi chúng đến bạn bè, người thân để chia sẻ. Người Nhật tin rằng hành hương là 1 trong những cách tốt nhất giúp họ rèn luyện sự dẻo dai cả về thể xác lẫn tinh thần.
Hành hương trên đảo Shikoku bắt nguồn từ chuyến viếng thăm đến 88 ngôi chùa của cao tăng Kukai vào thế kỷ thứ 9. Đến thời Edo, thế kỷ 17, phong trào hành hương theo lộ trình của Kukai lan rộng trong dân chúng. Để đáp ứng nhu cầu hành hương của dân chúng và tạo thuận tiện cho người hành hương, năm 1687, quyển sách hướng dẫn lộ trình hành hương của Kukai trên đảo Shikoku được xuất bản.
Thời Edo là giai đoạn Nhật Bản thái bình sau 200 năm đất nước trải qua thời kỳ nội chiến Sengoku. Người dân tận hưởng cuộc sống an lành bằng những chuyến đi du lịch, hành hương trên khắp cả nước. Kinh tế phát triển hưng thịnh vào thời điểm này cũng là động lực để dân chúng hồ hởi tham gia những chuyến đi dài ngày. Tuy nhiên, với quãng đường dài 1.200 km, chuyến hành hương không hề dễ dàng. Nhiều người đã ngã bệnh hoặc thậm chí bỏ mạng trên đường hành hương.
Giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2 khi nền kinh tế Nhật Bản bước vào thời kỳ tăng trưởng thần tốc, phong trào hành hương 1 lần nữa phát triển mạnh mẽ trong dân chúng. Lúc này, xe bus bắt đầu được đưa vào sử dụng cho những chuyến hành hương đến 88 ngôi chùa trên đảo Shikoku.
Từ những năm 1970, số lượng người hành hương hàng năm không ngừng gia tăng nhờ sự phổ biến của xe bus và xe hơi cá nhân. Các phương tiện giao thông tiện lợi này giúp nhiều tín đồ cao tuổi thực hiện mong muốn có thể là cuối đời của họ. Đó là hành hương về Shikoku.
Những năm 1990 trở lại đây, xu hướng hành hương đi bộ như ngày xưa quay trở lại và lan rộng trong giới trẻ cả nam lẫn nữ giới.
Hiện nay, nhiều người nước ngoài cũng thích thú tham gia hành hương để tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản, và ngay chuyến hành hương trên đảo Shikoku cũng là một phần của nền văn hóa đó.
Cư dân trên đảo Shikoku có truyền thống cho người hành hương tiền hoặc thức ăn. Hành động này được gọi là Osettai. Osettai được thể hiện dưới nhiều hình thức, có thể là đóng những chiếc ghế gỗ cho người hành hương nghỉ chân hay dọn dẹp cây cối gây cản trở lối đi. Có thể người hành hương gặp nhiều trở ngại trong chuyến đi, nhưng với tấm lòng của những người thực hiện Osettai thì khó khăn đó dường như trở nên nhỏ bé.
Với tinh thần không vụ lợi, Osettai là sự thể hiện tính hiếu khách, trọng tình người của người dân đảo Shikoku, quê hương của vị cao tăng Kukai, người đã cống hiến cả đời mình cho Phật giáo, cho sự an lành, hạnh phúc của dân chúng.
Thanh Tâm