Thuở xưa, nhân sâm được xem là loại dược liệu quý và chỉ sinh trưởng ở một số nơi thuộc khu vực Đông Á gồm phía đông bắc Trung Quốc, đảo Honshu của Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Nhân sâm hoang dã rất quý hiếm và có giá cao do vậy người ta bắt đầu tìm cách trồng loại thảo dược này.

Hàn Quốc không chỉ được biết đến với tên gọi “Xứ sở kim chi” mà còn nổi tiếng là vùng đất của nhân sâm. Nhân sâm Hàn Quốc có những giá trị to lớn cả về mặt y học lẫn kinh tế và văn hóa.

Hàn Quốc nổi tiếng là vùng đất của nhân sâm

Hàn Quốc bắt đầu trồng sâm từ hơn 1500 năm trước. Điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây rất thích hợp cho việc trồng loại thảo dược này. Nếu so sánh các loại sâm từ các quốc gia trên thế giới thì sâm Hàn Quốc có dạng giống hình người nhất. Gió và nước là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến việc trồng nhân sâm. Vào mùa hè, nhà nông cần cung cấp đủ lượng nước và tạo độ gió thích hợp để nhân sâm phát triển.

Cây sâm với phần rễ của nó

Vài tháng trước khi gieo hạt, nhà nông cần làm nứt vỏ hạt giống nhân sâm. Lớp vỏ ngoài dày, cứng khiến hạt rất khó nảy mầm. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển cây con.

Hạt giống được cho vào một túi lưới, rồi đặt vào một nơi thoáng mát, bên trên phủ lên một lớp cát để giữ ẩm. Trong thời gian ủ, khoảng 10 ngày nhà nông xả lại nước sạch một lần nhằm đảm bảo chất lượng hạt giống và giúp mau nứt vỏ.

Những cây sâm non cần thời gian 6 năm để phát triển và thu hoạch

Sau ba tháng ủ mầm và xả nước, các hạt giống đã nứt vỏ. Tiếp đến chúng được phơi ráo và cất giữ ở một nơi thoáng mát. Thời gian gieo hạt nhân sâm được bắt đầu từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11. 

Sau khi gieo hạt, người trồng nhân sâm phủ lên luống đất một lớp đất mỏng. Tiếp theo đó đậy lên trên một lớp cỏ khô nhằm đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Nhân sâm được trồng như thế trong 1 năm, sau đó người ta sẽ lựa chọn những cây non tốt nhất để trồng trên cánh đồng rộng lớn.

Thời gian nhân sâm sinh trưởng có sự phân biệt rõ rệt. Năm đầu là thời kì rễ, thân và lá bắt đầu hình thành. Năm thứ hai đến năm thứ tư mới là thời kì nuôi dưỡng cây, phần rễ bắt đầu phình to không ngừng, mỗi năm rễ cũng lớn thêm một nhánh. Qua 6 năm, rễ sẽ thành nhân sâm, đó là lúc bắt đầu thu hoạch.

Vườn nhân sâm hạn chế ánh nắng chiếu rọi trực tiếp bằng những giàn che 

Trên các cánh đồng nhân sâm, nông dân có dựng giàn che bên trên để hạn chế ánh nắng chiếu rọi trực tiếp xuống dễ làm cây con cháy lá và chết.

Sau sáu năm trồng trọt và chăm sóc vất vả, nhà nông bước vào mùa thu hoạch nhân sâm. Thời gian thu hoạch sâm diễn ra vào mùa thu, tức từ tháng 9 đến tháng 10, khi đó toàn bộ chất dinh dưỡng tập trung vào phần rễ nhân sâm do vậy phải thu hoạch ngay để có được sản phẩm đạt chất lượng cao.

Nhân sâm phải được thu hoạch vào mùa thu

Nhân sâm thu hoạch xong được mang đến một trung tâm chuyên mua bán sâm tươi để phân loại thành hồng sâm, bạch sâm. Trong đó hồng sâm là loại có chất lượng tốt nhất, trọng lượng đạt chuẩn và giá thành sản phẩm rất cao.

Hình vẽ miêu tả 6 năm phát triển của nhân sâm

Các thành phần hoạt chất tạo nên tác dụng kỳ diệu của nhân sâm được tích tụ dần theo quá trình sinh trưởng. Sâm càng già, những hoạt chất càng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân giúp nhân sâm 6 tuổi đạt chất lượng tốt nhất.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *