Cộng hòa Czech vốn nổi tiếng với những công trình xây dựng từ thời Trung cổ với phong cách kiến trúc gôtich. Trong số những kiệt tác đó có một công trình đặc biệt với nội thất có một không hai: làm từ hơn 40.000 bộ xương người.


Các hài đồng ngự trên những chiếc đầu lâu

Sau khi mài gót đến hàng chục lần trên phố Arbat chỉ trong mấy ngày hè, Valery và tôi quyết định làm một chuyến đi du lịch ra nước ngoài. Do tài chính hạn hẹp nên chúng tôi chỉ chọn hai nước gần làm đích đến là Ba Lan và Cộng hòa Czech.

Mấy ngày gọi điện rồi email các kiểu, chúng tôi quyết định đi Praha vì anh bạn Vašec Gašparovic cùng lớp là dân Praha chính gốc đang ở nhà trong kỳ nghỉ hè đã nhận lời làm hướng dẫn viên miễn phí. Với sự chu đáo, Valery đã tìm hiểu rất cụ thể trước chuyến đi và đưa ra quyết định chọn thành phố Kutná Hora vào điểm tham quan đầu tiên của hành trình.


Một con phố trung tâm, 10 giờ sáng chỉ có khách du lịch là có mặt ngoài đường

Thành phố Kutná Hora (thường được biết qua tên tiếng Đức là Kuttenberg) nằm ở trung tâm Bohemia, cách Praha khoảng 60km về phía đông nam. Vào thời Trung cổ đây là thành phố giàu có nhất ở Cộng hòa Czech.

Khoảng thế kỷ 13 người ta phát hiện những mỏ bạc nằm ở vùng núi xung quanh thành phố, và nguồn thu từ khoáng sản này đã mang lại sự phồn vinh cho các triều đại của Czech thời kỳ này. Và cũng nhờ nguồn tài nguyên này mà bộ mặt kiến trúc của thành phố được thay đổi nhanh chóng.

Một loạt những kiệt tác gôtic và Phục hưng xuất hiện: nhà thờ Saint Barbara, sở đúc tiền hay còn gọi là lâu đài hoàng gia, nhà thờ Đức Mẹ đồng trinh Maria, và đặc biệt là nhà thờ nghĩa địa các thánh được biết nhiều hơn dưới tên gọi khác là nhà thờ xương người Sedlec. Nhờ những danh lam trên nên năm 1995 thành phố được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới.


Nhà thờ xương người nhìn từ bên ngoài

Ngay sau khi gặp nhau ở ga trung tâm Praha, Vašec dẫn chúng tôi lên tàu điện ngầm đến ga Florenc. Lên xe buýt, ngả lưng làm một giấc, khoảng hơn một giờ sau đã có mặt ở trung tâm Kutná Hora. Điều đầu tiên làm chúng tôi ngạc nhiên là đã 10g sáng mà hầu như không có một bóng người dân nào ngoài đường, ngoại trừ những khách du lịch nhanh chân hơn đã có mặt từ sớm.

Ở trung tâm thành phố là nhà thờ tu viện trưởng Saint Jacob với chiếc tháp đồng hồ cao 86m. Nhà thờ này nói chung không có gì đặc biệt, ngoại trừ chiếc tháp có chiều cao lớn nhất ở khu vực và chiếc đồng hồ cổ kính gắn trên cả bốn mặt tháp.

Điểm tham quan chính của chúng tôi ở thành phố là nhà thờ Saint Barbora (thánh Barbora hay Barbara, còn được gọi là Varvara theo kiểu Slave, là vị thánh che chở cho những người thợ mỏ, những cư dân chính của thành phố thời bấy giờ), nhà thờ gôtich lớn thứ hai ở Cộng hòa Czech và được coi như bản sao của nhà thờ Saint Vitus ở Praha.


Nhà thờ Đức Mẹ đồng trinh Maria thăng thiên

Theo lời những người dân ở đây, chính vì ganh đua với người dân thủ đô mà họ đã quyết định xây một nhà thờ lớn cỡ này. Quá trình xây dựng nhà thờ kéo dài trong một khoảng thời gian kỷ lục 5 thế kỷ rưỡi, từ đầu thế kỷ 14 đến tận cuối thế kỷ 19. Bản thiết kế đầu tiên của nhà thờ do Jan Parler vẽ, mà Jan lại là con của Petr Parler, công trình sư của nhà thờ Saint Vitus, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi hai nhà thờ lại có nhiều nét giống nhau đến vậy.

Không như ở Praha, nơi mật độ xây dựng dày đặc làm các nhà thờ gần như không có không gian để tham quan từ phía ngoài, ở đây các nhà thờ đều có một không gian ngoại thất khá thoáng đãng. Nhà thờ Saint Barbora có lối kiến trúc gôtich cực kỳ độc đáo được gọi là phong cách gôtich – barôc. Nó gồm ba ngọn tháp lớn ở giữa trong đó hai ngọn là nóc của tiền điện và hậu điện nhỏ hơn, còn ngọn tháp ở giữa là nóc chính của nhà thờ thì lớn hơn. Chúng được bao quanh bằng hai hàng tháp nhỏ xung quanh với những chi tiết trang trí vô cùng cầu kỳ và đẹp mắt.


Nội thất nhà thờ khiến nhiều nhà thờ khác phải ghen tỵ

Nội thất của nhà thờ cũng cực kỳ ấn tượng, thật không uổng công những người thợ mỏ đã bỏ ra ngần ấy thời gian và công sức để xây dựng.

Những chiếc bàn thờ và c&aac
ute;c đầu cột lan can đều được chạm bằng vàng ròng với những chi tiết chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Tuy được bắt đầu xây dựng từ đầu thế kỷ 14 nhưng sau đó công trình bị tạm dừng vì lý do chiến tranh trong khoảng 60 năm, và sau đó do hết vốn nên phải mất thêm gần 300 năm tạm hoãn. Phải đến năm 1884 nhà thờ mới được chính quyền cấp vốn xây dựng tiếp và đến năm 1905 công trình mới có bộ mặt giống như ngày nay. Và kiến trúc của ngôi nhà thờ này đã được xem như giáo trình cho phong cách gôtich thời bấy giờ.

Rời Kutna, chúng tôi theo chân những du khách khác đến làng Sedlec, nơi có nhà thờ nghĩa địa các thánh và quần thể nhà thờ Đức Mẹ đồng trinh Maria thăng thiên cùng tu viện Cơ Đốc giáo lâu đời nhất ở Bohemia.

Quần thể này ra đời từ năm 1142, lúc đầu chỉ là một tu viện nhỏ nhưng vào năm 1276, khi người ta tìm ra mỏ bạc trong núi và mang về nguồn lợi rất lớn cho thành phố, thì nó được cung cấp tài chính để xây dựng nhà thờ riêng theo phong cách gôtich Pháp với tên gọi nhà thờ Đức Mẹ đồng trinh Maria. Nhà thờ không có nét kiến trúc nào riêng biệt, nó mang ý nghĩa lịch sử đối với thành phố có nhiều vết tích của chiến tranh tôn giáo. Năm 1421, cả quần thể bị quân Hussite tấn công và đốt cháy rụi. Sau đó chính quyền thành phố đã cho xây dựng lại nhà thờ và tu viện trên nền đất cũ.

Tiêu điểm của ngôi làng và là mục tiêu thu hút khách du lịch đến nơi này là nhà thờ nghĩa địa các thánh, được gọi nôm na là nhà thờ xương người Sedlec. Nhìn từ bên ngoài, nhà thờ không có gì khác biệt với các nhà thờ Thiên Chúa giáo khác, có phần hơi nhỏ và được bao quanh bằng những ngôi mộ đủ kiểu và kích cỡ.


Bộ đèn chùm độc đáo nhất thế giới

Nhưng vào đến bên trong thì chuyến tham quan mới được coi là thật sự bắt đầu. Nơi đây có một lịch sử thật kỳ bí và rùng rợn.

Trước thế kỷ 13, vùng đất này là một khu nghĩa trang đơn sơ của làng. Vào năm 1278, ngài tu viện trưởng Henry người Sedlec viễn chinh đến miền đất thánh theo lệnh của nhà vua Bohemia lúc bấy giờ là Otakar II. Khi trở về, ngài mang theo mình một nhúm đất Golgotha và rắc lên nghĩa địa. Từ đó người ta đổ xô đến vùng đất này để an táng cho người thân.

Vào những năm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, do nạn dịch hoành hành và cuộc nội chiến tôn giáo Hussite mà số người được an táng ở đây tăng vọt. Và đất thì có hạn nên người ta cho xây nhà thờ nhỏ này với một gian thờ như một hầm chứa để chứa những bộ xương được khai quật từ nghĩa trang, dành chỗ cho những “cư dân” mới.

Rồi đến lúc cả hầm chứa cũng đầy và vào năm 1870, một dòng họ có quyền thế ở địa phương là Schwartzenberg đã thuê nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng František Rint làm công việc kỳ quái là đưa những bộ xương từ hầm chứa lên, tạo thành các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật mà bây giờ chúng ta được chiêm ngưỡng.


Thập giá

Hoành tráng nhất là bộ đèn chùm treo giữa trần giáo đường. Ở đây ta có thể tìm thấy tất cả các loại xương trên cơ thể, mỗi loại có ít nhất một chiếc. Xung quanh bộ đèn là bốn chiếc tháp làm từ đầu lâu và xương cẳng tay với tượng hài đồng bằng vàng trên đỉnh tháp. Các chi tiết nội thất khác như những chiếc chân nến, đường viền mái, đường cong vòm nhà… đều được trang trí bằng những bộ phận xương khác nhau.


Biểu tượng nhà Schwartzenberg

Những sản phẩm được nhiều người quan tâm là chiếc vương miện và biểu tượng của nhà Schwartzenberg, chữ ký của nhà điêu khắc Rint, chiếc thập giá và chiếc chén thánh. Ngoài ra những hình ảnh về những con quạ đang rỉa xác chết, hay những con rắn chui ra từ hốc mắt đầu lâu… cũng thu hút người xem không kém.

Một điều đáng ngạc nhiên là có rất nhiều phụ nữ và trẻ em vào tham quan nhà thờ, và theo quan sát của chúng tôi hầu như không có ai tỏ vẻ sợ hãi hay rùng mình mà ngược lại mọi người còn rất thích thú và chăm chú quan sát mọi hiện vật.


Người giữ lửa

Những bộ xương không được sử dụng hoặc được khai quật sau khi nhà thờ đã hoàn thành được đưa vào trong các ngăn chứa. Ước tính có hơn 40.000 bộ xương được sử dụng để thực hiện tác phẩm nghệ thuật có một không hai này.

Theo Diên Thái (Tuổi trẻ Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *