Tiết phân là một ngày trước ngày Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông. Nhưng hiện nay ở Nhật Bản, khi nói về Tiết Phân là nói về lễ hội xua đuổi ma quỷ vào ngày 3 tháng 2 trước ngày Lập xuân.
Vào những ngày chuyển mùa, nhiều người bị cảm, bị bệnh nặng hơn. Vì vậy, người xưa có câu ” Khi chuyển mùa, cũng là lúc tà khí xuất hiện”. Cho nên từ đó mới xuất hiện lễ Tiết phân – lễ hội trừ quỷ, đánh đuổi những thứ xấu xa, tà khí trước khi đón mùa xuân đến.
Tập tục truyền thống trong lễ Tiết Phân ở Nhật
Đầu tiên người ta sẽ chuẩn bị những hạt đậu có tên là “Fukumame” ( Fuku : phúc, sự may mắn, mame: hạt đậu). Đậu này phải là loại đậu tương đã được rang. Sau đó lấy hạt đậu này rải theo thứ tự từ phòng trong cùng ra phòng khách rồi ra ngoài sân.
Trong lúc ném đậu, sẽ có một người đeo mặt nạ đóng giả làm quỷ để mọi người trong gia đình ném đậu vào. Và theo thông lệ, thường là người bố sẽ đóng vai này.
Hai câu thường được đọc khi rải đậu là “Oni ha soto” (Quỷ phải ở bên ngoài), “Fuku ha uchi” (phúc hãy ở lại trong nhà). Hai câu này nhằm xua đuổi quỷ, tà khí, những điều không may mắn ra ngoài, và cầu cho vận may ở lại trong nhà. Để cho việc dọn dẹp đỡ vất vả thì trong nhà người ta chỉ rải ít đậu cũng được.
Sau đó, người ta sẽ ăn những hạt đậu đã rải này để cầu cho sự may mắn, tránh được bệnh tật, được nhiều phúc khí. Mỗi hạt tương đương với một tuổi cho nên người ta sẽ ăn số hạt bằng số tuổi của họ và cộng thêm 1 hạt nữa.
Ngoài ra, vào lễ Tiết phân còn có một phong tục thú vị nữa là ăn Ehomaki (Eho: phương hướng tốt, điềm may, maki: sushi cuộn rong biển), thường được tổ chức tại trung tâm của thành phố Osaka.
Khi ăn Ehomaki, người ta sẽ quay mặt về hướng Eho – được cho là hướng tốt lành của năm đó và ăn hết Ehomaki. Vừa ăn người ta sẽ vừa cầu nguyện trong đầu, không được nói chuyện cho đến khi ăn xong, vì nếu nói chuyện điều tốt lành sẽ đi ra ngoài mất.
Nguồn gốc của phong tục này nhằm cầu cho buôn may bán đắt, bắt nguồn từ giới thương nhân ở Osaka thời Taisho.
Theo nuocnhat.org