Cùng với hang động Mạc Cao và hang đá Vân Cương, hang đá Long Môn là một trong 3 địa điểm điêu khắc cổ đại nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Có tới hơn 100.000 bức tượng phật được khắc trên đá, tượng nhỏ nhất chỉ bé bằng ngón tay và tượng lớn nhất cao trên 10 mét, phần lớn được tạc vào thời nhà Đường và Bắc Ngụy.

Tại sao lại phải tạc quá nhiều tượng trên vách đá như vậy? Theo quan niệm của người xưa, khắc một bức tượng phật là tạo phúc cho bản thân, vì vậy vua chúa thời này ra sức tạc thật nhiều tượng Phật để tạo phúc cho mình.

Bức tượng lớn nhất nằm ở vị trí trung tâm tương truyền được làm theo lệnh của Võ Tắc Thiên và mang khuôn mặt của bà.

Ngược dòng lịch sử, Phật giáo được lan truyền tới Trung Quốc trong thời Hán – Ngụy và từ đó, nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Trung Quốc có nội dung và cách thể hiện mới qua hai hình thức: tự viện (chùa chiền) và thạch quật (hang đá).

 

Cả hai cách thể hiện đặc trưng ấy, du khách ngày nay đều có thể chứng kiến tại Lạc Dương, ở dạng nguyên vẹn và cổ kính nhất.

Đó là Bạch Mã Tự và Long Môn Động, hai di tích lịch sử văn hóa và tôn giáo có ý nghĩa lớn lao của thành phố này.

Ngày nay, du khách đến thăm Bạch Mã Tự, sẽ đi qua một dãy phố kiến trúc cổ kính, hai bên đường san sát cửa hiệu bán tượng Phật, hương nhang, tranh ảnh và sách vở về Phật giáo, với những tiếng rao dài và bầu không khí đậm vẻ trang nghiêm.

Trước cổng Tam Quan (nằm trên trục Nam – Bắc) của ngôi chùa, là một sân rộng, có những hồ sen nuôi cá vàng.

Nếu như Bạch Mã Tự là điển hình của kiến trúc chùa chiền Phật giáo Trung Quốc thì Long Môn Động, hay Long Môn Thạch Quật (hang đá Long Môn) – cách Lạc Dương 12 cây số về phía Nam – lại là hình mẫu của các công trình trạm trổ, điêu khắc tượng Phật trong vách núi đá.

Cùng Mạc Cao (ở Cam Túc) và Vân Cương (Sơn Tây), hang đá Long Môn là một trong 3 địa điểm điêu khắc cổ đại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, đã được xếp hạng di sản văn hóa thế giới tháng 11-2000.

Nằm ở giữa trung tâm Lạc Dương và Hang động Long Môn là ngôi đền có tên gọi Quan Lâm, nơi cất giữa thủ cấp của vị tướng nổi tiếng: Quan Vân Trường.

Kiến trúc ngôi đền chủ yếu bằng đá xanh, Tào Tháo đã cho làm một thân hình bằng gỗ và chôn cất cùng đầu Quan Vũ ở đây để tỏ lòng tôn trọng ông. Lăng mộ là một gò đất lớn trồng nhiều cây và bao quanh bằng một bức tường được xây vào thời nhà Thanh.

Không chỉ nổi tiếng với bề dày lịch sử và tín ngưỡng, Lạc Dương còn được biết đến như trung tâm nuôi trồng gần 200 loài mẫu đơn đẹp nhất của Trung Quốc, với hàng loạt triển lãm hoa mẫu đơn – mang tên "Lạc Dương mẫu đơn hội" – tổ chức thường niên ở đây.

Trong lịch sử Trung Quốc, mẫu đơn được sử dụng từ rất lâu đời trong văn hóa trang trí và là một trong các biểu trưng quốc gia. Cho đến nay, đã nhiều lần mẫu đơn được đề nghị làm quốc hoa của Đại Lục.

Việc trồng mẫu đơn rất phổ biến từ thời Tùy Đường và lên đến đỉnh cao thời Tống ở Lạc Dương, mảnh đất từ đó được coi là "thiên hạ vô địch" về loài hoa này.

Một ngày đầu hạ nào đó, du khách có dịp đặt chân đến Lạc Dương thành, đắm chìm trong bầu không khí của những thể kỷ đã trôi qua và trong sắc hoa mẫu đơn rực rỡ, hẳn sẽ không thất vọng với những gì được thấy ở kinh đô của 15 triều đại phong kiến Trung Hoa này…

Theo Chudu24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *