Nếu chỉ có kịch bản và diễn viên thì chưa thể tạo nên một vở Kabuki hoàn chỉnh. Loại hình nghệ thuật này không thể thiếu việc thiết kế sân khấu. Hiệu ứng sân khấu là một trong những yếu tố cuốn hút khán giả và tạo nên sự thành công cho vở diễn.
Ngoài phần phông vẽ kiến trúc nhà cửa, lâu đài và cảnh vật theo mùa, sân khấu Kabuki còn có nhiều mẫu thiết kế khác tạo sự gần gũi với khán giả. Điển hình trong số đó là sân khấu phụ Hanamichi – một đường đi bộ hẹp bằng gỗ, kéo dài khoảng 18 mét từ bên phải của sân khấu chính đến khán đài. Đây là lối ra vào sân khấu chính của diễn viên. Hanamichi có nghĩa là Đường hoa vì khán giả thường tặng hoa và quà cho diễn viên ngay trên lối đi này. Ngoài công dụng làm lối đi thông với sân khấu chính, hanamichi còn là nơi để các diễn viên trình diễn những cảnh quan trọng.
Một dạng thiết kế sân khấu khác cũng rất phổ biến trong Kabuki là sân khấu xoay Mawari-butai. Ra đời vào giữa thế kỷ 18, sân khấu xoay rất hữu dụng, nó giúp chuyển cảnh nhanh chóng nhờ kỹ thuật đẩy sân khấu xoay tròn. Sân khấu xoay có ưu điểm là chuyển cảnh tiện lợi nhưng quá trình thiết kế mất nhiều thời gian vì nó rất công phu.
Seri là dạng thiết kế sân khấu dùng cửa sập, ra đời từ giữa thế kỷ 18. Diễn viên và các cảnh vật có thể xuất hiện hoặc biến mất trên sân khấu nhờ hệ thống nâng lên và hạ xuống thông qua những chiếc lỗ được thiết kế ngay trên nền sàn diễn.
Kabuki có lịch sử hình thành khoảng 4 thế kỷ, nó ra đời vào đầu thời Edo. Kabuki có thể hiểu là Ca vũ kỹ tức kỹ năng múa và hát. Người sáng tạo ra Kabuki là Okuni, một thiếu nữ từng phụng sự trong đền thờ Izumo ở tỉnh Shimane.
Okuni nổi tiếng múa đẹp, hát hay và diễn giỏi. Bà được ban quản lý đền thờ gởi đến Kyoto để biểu diễn các điệu múa và bài hát ca ngợi thần linh. Các điệu múa của Okuni được mọi người mến mộ. Nhanh chóng sau đó, chúng được các cô gái bắt chước và trở thành một loại hình giải trí hấp dẫn lúc bấy giờ. Tuy nhiên, để ngăn chặn việc lợi dụng Kabuki vào các hoạt động không lành mạnh, chính quyền đã cấm nữ giới tham gia trình diễn.
Giữa thế kỷ 17, chỉ có diễn viên nam mới được phép trình diễn trên sân khấu Kabuki. Đây cũng là giai đoạn Kabuki phát triển mạnh mẽ, nó trở thành loại hình sân khấu được ưa chuộng nhất trong dân chúng.
Đến thời Minh Trị, thế kỷ 19, Kabuki vẫn tiếp tục phát triển bất chấp làn sóng du nhập của văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, lịch sử Kabuki đã trải qua một giai đoạn khó khăn sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2. Phần lớn các nhà hát Kabuki bị bom đạn trong chiến tranh phá hủy. Khi Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, họ đã cấm trình diễn Kabuki vì e ngại các vở diễn sẽ truyền bá tư tưởng thù hận trong dân chúng.
Đến năm 1947, trước sức ép của công chúng, lệnh cấm được bãi bỏ. Từ đó, các sân khấu Kabuki sáng đèn trở lại, Kabuki bước vào một giai đoạn phát triển mới để trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của Nhật Bản và thế giới.
Và hơn 60 năm sau, hiện nay, bên cạnh các vở Kabuki đậm chất truyền thống, lối diễn mới mang phong cách hiện đại cũng đã hình thành. Không chỉ là loại hình sân khấu của riêng người Nhật, Kabuki giờ đây đã trở thành di sản của nhân loại và là một sản phẩm du lịch hấp dẫn khách nước ngoài đến với Nhật Bản. Xem Kabuki, có thể nhiều người không hiểu hết những gì đang diễn ra trên sân khấu nhưng ở một mức độ nào đó, họ vẫn có thể cảm nhận được một phần tinh túy của nghệ thuật đặc sắc này.
Thanh Tâm