Nước Nhật được biết đến với rất nhiều trò chơi dân gian thú vị. Một trong số đó là trò Kendama – một trò chơi thân thuộc của trẻ em Nhật. Kendama đã từng xuất hiện trong truyện tranh Doraemon.

Kendama đã từng một trò chơi gây sốt và hiện tại là một trong những món đồ chơi truyền thống Nhật Bản tinh túy nhất thế kỉ 20. Ngày nay, bạn vẫn thấy người ta chơi Kendama ở khắp nơi, thậm chí, có những cuộc thi kendama quốc gia được tổ chức thường xuyên.

“Ken” là tay cầm bằng gỗ nhìn tựa tựa cán kiếm. Món đồ chơi này có que nhọn ở đỉnh đầu và ba miệng chén, hai cái đối nhau ở thanh trụ và một cái dưới đáy. “Dama” chỉ trái banh, được nối với tay cầm bằng sợi dây và có cái lỗ nhỏ để khớp với đầu nhọn.

Đối với món đồ chơi này, qui luật chơi sẽ là thảy trái banh lên không trung và bằng sự khéo léo của bạn, trái banh sẽ phải “tiếp đất nhẹ nhàng” trên đỉnh nhọn hay bất kì miệng chén nào. Có hơn 1000 kỹ thuật khác nhau để người chơi làm chủ được Kendama.

Ngược dòng lịch sử

Nhiều người nghĩ rằng Kendama được sinh ra tại Nhật Bản. Thật ra, Kendama có nguồn gốc từ Pháp. Bấy giờ, vào khoảng thế kỉ thứ XVI, tổ tiên của Kendama tại Pháp mang tên Bilboquet. Hình dáng của Bilboquet khá đơn giản, bao gồm một tay cầm có đỉnh nhọn và một quả bóng gỗ được khoét lỗ để vừa khớp với đỉnh nhọn ấy. Chúng nối với nhau bằng một sợi dây. Cách chơi Bilboquet cũng khác so với Kendama. Người chơi Bilboquet chỉ cần tung và bắt bóng sao cho bóng rơi đúng vị trí của đỉnh.

Bilboquet – tiền thân của Kendama

Đến thế kỉ XVII, thời Edo (năm 1603- 1868), Bilboquet được mang đến Nhật Bản qua con đường tơ lụa. Ở thời điểm này, Kendama thu hút những người lớn tuổi. Họ coi Kendama như trò chơi uống rượu, ai không thực hiện được sẽ bị phạt rượu. Đến thời Minh Trị (1868-1912) và Taisho (1912- 1926), Kendama bắt đầu trở nên phổ biến với trẻ em. Vào thế kỉ XX, Kendama được “lột xác” và bắt đầu mang hình dáng của một cây búa với đỉnh nhọn, hai đĩa lớn-nhỏ, một đĩa ở chân đế và quả bóng có khoét lỗ. Chiều cao tiêu chuẩn là 17,94cm. Cách chơi Kendama cơ bản nhất là tung và bắt bóng tại đỉnh hoặc 1 trong 3 đĩa.

Đỉnh cao của Kendama là vào năm 1975, khi mà Hiệp hội Kendama Nhật Bản ra đời. Người thành lập Hiệp hội này là ông Issei Fujiwara. Ông cùng những người đồng sáng lập Hiệp hội đặt ra các quy định, luật chơi cũng như hệ thống đánh giá năng lực người chơi. Kéo dài đến những năm gần đây, du khách nước ngoài có cơ hội tiếp xúc với món đồ chơi này. Họ cảm thấy rất thú vị và mang Kendama giới thiệu cho những người bạn của họ. Các đoạn clip về Kandama được tung trên mạng, tạo nên cơn sốt khắp thế giới. Theo đó là sự thành lập Hiệp hội Kendama châu Âu, Hiệp hội Kendama Anh Quốc và hàng loạt các câu lạc bộ Kendama lớn nhỏ khác trên khắp thế giới. Có thể nói, Kendama một lần nữa đã tạo nên trào lưu tác động mạnh mẽ đến mọi người.

Các cuộc tranh tài

Cuộc thi Kendama đầu tiên tại Nhật được tổ chức bởi Hiệp hội Kendama Nhật Bản vào năm 1979 và duy trì đến ngày nay. Ngoài ra còn có các cuộc thi Kendama nổi tiếng như Kendama Championship, Kendama World Cup luôn là tâm điểm thu hút những người đam mê Kendama ở mọi độ tuổi.

Gần đây nhất là cuộc thi Kendama World Cup 2015 tổ chức tại Hatsukaichi, Nhật Bản. Hình thức của cuộc thi này khác hẳn so với những cuộc thi trước đây. Tại Kendama World Cup, người chơi không đơn thuần cố gắng đạt thật nhiều điểm trong thời gian giới hạn mà còn phải phô diễn các kĩ thuật khó nhằn, kéo theo là các vòng đấu tay đôi, thử thách về tốc độ, freestyle,… Ba giải thưởng cao nhất trị giá ¥50 000, ¥100 000 và ¥500 000 (khoảng từ 9 triệu đến 94 triệu).

Kĩ thuật

Người chơi có thể tự sáng tạo ra các kĩ thuật chơi riêng nhưng để được công nhận là người chơi kendama thực thụ, họ phải đáp ứng ít nhất 10 kĩ thuật ở trình độ Kyu (sơ cấp) do Hiệp hội Kendama Nhật Bản quy định.Trong 10 kĩ thuật đó, có 5 kĩ thuật mà người chơi phải thuần thục là Ozara-Chuzara-Kozara, Tomeken, Nihon Isshu, Hikoki và Toudai.

Cho đến nay, hình ảnh của Kendama đã trở nên quen thuộc với mọi người. Kendama không chỉ là một trò chơi cho trẻ em nữa mà nó đã trở thành một bộ môn thể thao truyền thống giúp người chơi rèn luyện sự nhạy bén, khéo léo của tay và mắt. Ngoài ra, đó còn là cách để lĩnh hội sự cân bằng, bình tĩnh. Nếu bạn có dịp đặt chân đến Nhật Bản, Kendama chắc chắn là món quà thú vị và bổ ích để dành tặng bạn bè đấy!

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *