Từng được gọi trìu mến là "bạch mã hoàng tử" và nay trở thành "vua của người dân", quốc vương 28 tuổi của vương triều Wangchuck (Bhutan) đã chinh phục được trái tim của thần dân và dân chúng ngoài nước.

2008 là một năm hết sức đặc biệt đối với Bhutan, quốc gia Phật giáo nhỏ bé, hiền hòa và xinh đẹp bên dải Himalaya hùng vĩ. Vào tháng 3, Bhutan đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử lịch sử để chọn ra quốc hội và nội các đầu tiên. Thượng tuần tháng 11 này, gần 700.000 người dân Bhutan hoan hỉ chúc mừng lễ đăng quang của vị thái tử trẻ tuổi Jigme Khesar Namgyal Wangchuck.

Sau 2 năm chờ đợi, vào thứ năm ngày 6.11, vua cha Jigme Singye Wangchuck được thần dân yêu mến đã chính thức thoái vị và ông trang trọng đặt chiếc vương miện Raven Crown lên đầu người con trai 28 tuổi. Kể từ đây, Jigme Khesar Namgyal Wangchuck trở thành vị vua Rồng thứ 5 tại xứ sở Rồng Sấm và ghi tên mình vào lịch sử là quốc vương trẻ nhất hiện nay trên thế giới.

Bạch mã hoàng tử

Trong số 4 người con của vua Singye, Thái tử Khesar là con đầu tiên của người vợ thứ 3, Hoàng hậu Tshering Yangdon. Có bề ngoài điển trai giống như một Elvis Presley thời trẻ, phong thái hào hoa, thái tử du học tại Mỹ trước khi tốt nghiệp Đại học Oxford (Anh), nơi ông hoàn tất Chương trình ngoại giao và lĩnh bằng thạc sĩ triết học về chính trị. Khi chưa lên ngôi vua, vị thái tử đôi lần đại diện hoàng gia tham dự một số buổi lễ của vương triều nước khác.

Khi đến Thái Lan dự sinh nhật Quốc vương Bhumidol Adulyadej vào năm 2006, ông đã tạo nên hiện tượng tại xứ sở đất nước chùa tháp. Với dáng vẻ thanh lịch, trẻ tuổi (lúc đó ông 26 tuổi), học thức và đặc biệt là còn độc thân, thái tử đã chiếm trọn con tim của các thiếu nữ Thái Lan. Ông cũng là một trong những nhân vật hoàng gia ngoại quốc hiếm hoi tận hưởng sự đón tiếp theo kiểu siêu sao nhạc pop của người Thái. Những đám đông rầm rộ theo bước vị tiểu vương đẹp trai và các cô gái Thái thét lên khi cuối cùng gặp được người mà họ gọi là "bạch mã hoàng tử”. Cơn sốt mang tên thái tử Khesar kéo dài nhiều tuần liền trên khắp báo, đài truyền thông và internet tại Thái Lan.

Thủ tướng và người bạn của thái tử, ông Jigmi Thinley, cho biết vị vua trẻ rất thương người, dịu dàng và tốt bụng. Ông rất yêu thương trẻ con, không giống như kiểu những hoàng tử hư hỏng trong các triều đại khác. "Ông không tỏ vẻ vua chúa bao giờ. Ông chẳng bao giờ đi săn bắn, ngay khi còn nhỏ – dù săn bắn là điều mà các ông vua rất thích – và tôi chưa bao giờ thấy ông ngồi đằng sau tay lái của bất kỳ loại xe tốc độ nào", ông Thinley chia sẻ với hãng tin Reuters. Trước đây, Thái tử Khesar nổi tiếng trên toàn quốc với hành động nhận một bé trai làng bị dị tật bẩm sinh về mắt, và gửi chú ra nước ngoài chữa trị. Ông cũng đam mê thể thao cuồng nhiệt, là cầu thủ hăng hái của môn bóng rổ và bóng đá.

Vị vua được yêu mến

Sau lễ đăng quang, vua Wangchuck đời thứ 5 trở thành người đứng đầu nhà nước Bhutan, nhưng ông vẫn có thể bị truất phế nếu hơn 2/3 quốc hội thông qua. Tuy nhiên, sự kính yêu và lòng tôn sùng của người dân nước này đối với hoàng gia đã giúp vua Khesar tiếp tục có ảnh hưởng tối cao. Còn nhớ khi vua Wangchuk thứ 4 quyết định khai sinh nền cộng hòa, nhưng đa số người dân đã phản đối bầu cử với lý do họ hoàn toàn hài lòng dưới sự trị vì của vương triều Bhutan. Đúng như lời của Thủ tướng Thinley do hãng tin AP dẫn lại: "Chúng tôi có được nền dân chủ là do nhà vua đã ban cho chúng tôi". Dù được dân chúng yêu chuộng, nhưng vị vua mới không lạm dụng điều đó, ông chứng tỏ lòng thương dân khi chỉ mời duy nhất một nguyên thủ nước ngoài đến chứng kiến lễ đăng quang, đó là Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil. Theo Thủ tướng Thinley, dù rất vui lòng đón tiếp nhiều lãnh đạo thế giới, nhưng tân vương cho rằng chuyện mời mọc này không phải là cách sử dụng khôn ngoan nguồn tài chính có hạn của Bhutan.

Trong nhiều thập niên, dân tộc Bhutan vẫn tiếp tục cự tuyệt sự thay đổi như thế giới bên ngoài, và hiếm khi tiếp nhận du khách nước ngoài cho đến những năm gần đây. Họ lo sợ những "cái xấu xa" bên ngoài sẽ làm băng hoại nền văn hóa lâu đời và môi trường được bảo vệ thật cẩn thận. Tuy nhiên, nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi, cựu quốc vương đời thứ 4 đã dần dần hướng đất nước dù nghèo nhưng xinh đẹp này vào con đường đổi mới, chọn lọc những phần cần thiết của thế giới hiện đại. Đến năm 1999, truyền hình và internet đã đến được quốc gia nhỏ bé tại Nam Á này. Cách đây 4 năm, Bhutan trở thành nước duy nhất trên thế giới cấm hút thuốc nơi công cộng và đặt ra trang phục bắt buộc cho người dân.

Hiện thách thức chủ yếu của tân vương sẽ là việc cân bằng giữa việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của Bhutan trước những động lực mạnh mẽ từ xu hướng toàn cầu hóa. Đặc biệt là khi thế hệ trẻ nước này khao khát sự hiện đại hóa do ảnh hưởng từ internet và truyền hình. Thế nhưng, tựu trung nhiều người vẫn hết sức hài lòng với hoàn cảnh hiện tại, vì họ đã có một ông vua biết nghĩ đến người dân, một người trị vì thông minh và tử tế. Và ông cũng chứng tỏ khát vọng cháy bỏng của mình đối với đất nước. "Tôi thích nói chuyện với mọi người không phải vì bổn phận mà bởi vì chúng ta sẽ bắt đầu cuộc sống với nhau và chấm dứt sự nghiệp cùng nhau", vua Khesar nói trước một nhóm tân cử nhân hồi tháng 10. Ông bày tỏ: "Khi chúng ta về hưu vào khoảng 20, 30 năm nữa, hãy để chúng ta trao lại đất nước này một cách tự hào cho thế hệ trẻ".

Thụy Miên – Thanh niên Onlone

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *