Hành khách đi xuyên từ miền Nam đến miền Bắc Thái Lan, rồi đến biên giới Lào, “trôi” theo dòng Mêkông đến miền Trung Lào – Luang Prabang. Một chuyến đi dài khó quên trong đời!

Trôi trên dòng Mêkông

Chúng tôi thuê xe ô tô khởi hành từ thành phố Bangkok đi theo chiều dài đất nước Thái với dự định hễ thấy cảnh đẹp thì dừng lại để chụp ảnh. Xe chạy mải miết suốt gần 2 ngày 1 đêm. Một đêm nghỉ lại thành phố Chiang Mai, xe chạy tiếp độ chừng 180 km nữa là đến cực bắc Thái – Chieng Rai. Chieng Rai xưa kia vốn là “thủ phủ” thuốc phiện tại Thái Lan. Phía bên kia những ngọn núi ngăn cách giữa Thái Lan và Myanmar. Còn một nửa biên giới phía bắc Thái ngăn cách Chieng Rai với đất Lào là dòng Mêkông. Mọi người lưu lại một quán nhỏ ven sông, vừa dùng bữa trưa vừa dõi mắt về phía bên kia sông – đất Lào. Màu nắng đậm trải dài trên sông, tiếng gà trưa xao xác, trên đất khách mà tưởng chừng như đang đứng ở miền Tây Nam Bộ mình. Những bài hát Thái có âm điệu tựa “nhạc sến” ta, cất ra từ máy cassette, và những người phụ nữ Thái vừa uống bia, vừa nhẩm hát theo. Đất Chieng Rai thuộc vùng sâu vùng xa, cho nên rất hiếm người biết tiếng Anh để khách du lịch có thể giao tiếp với họ. Không nằm ngoài nét đặc trưng của đất nước chùa tháp, những ngôi chùa là điểm du lịch của Chieng Rai. Wat Phra Kaew là ngôi chùa được sùng bái nhất trong vùng, hay có thể lên ngôi chùa nằm trên đỉnh đồi phía tây bắc chùa Wat Pra Kaew, để nhìn ra dòng Mêkông. Hoặc có thể đi đến bản Therd – đại bản doanh của trùm thuốc phiện ngày trước. Nổi danh là thủ phủ của ma túy, nhưng ngoài sự hình dung của du khách về một “bộ mặt dữ tợn”, Chieng Rai rất đỗi yên ắng, và buồn bã.

Ảnh: Huỳnh Ngọc Dân

Làm giấy tờ tại cửa khẩu Chieng Rai, để lên tàu sang Lào, đi dọc dòng Mekong “trôi” về Luang Prabang. Giá vé 15 USD/người. Đó là hành trình trên sông mà chúng tôi chưa bao giờ quên được. Hai ngày một đêm, nắng rồi mưa, sương rồi gió. Toàn bộ hành khách trên tàu, đa số là những thanh niên trẻ – là dân Tây “ba lô” đến từ các nước châu Âu, rất ít người địa phương, nếu có thì họ chỉ quá giang một chặng đường ngắn. Cô gái người Bỉ có khuôn mặt, đôi mắt và cả nụ cười tuyệt đẹp, ngồi cùng cô thiếu nữ Pháp trẻ măng, tóc quăn thắt bím, áo chỉ là mảnh khăn sọc quấn ngang ngực. Họ đều là những sinh viên năm đầu, “bỏ nhà” đi bụi trong kỳ nghỉ hè. Đôi vợ chồng người Nga cùng cô gái tuổi lên năm, có cuộc sống như những người du mục, di chuyển liên tục từ nơi này đến nơi khác. Họ ngồi trên tàu, chụp ảnh và đọc sách. Cậu sinh viên 22 tuổi người Bồ Đào Nha, người độc hành duy nhất trên chuyến tàu, ngồi rúc trong đống hành lý phía sau bếp tàu tối mò mò, má nóng chảy ròng rã mồ hôi, và trong tiếng máy tàu rền rĩ, cậu chơi đàn ghi ta say sưa như thể đang ngồi giữa thiên đàng. Điều thú vị nhất với những người khách Việt là thực phẩm bán trên tàu đều ghi “made in Vietnam”, từ mì gói đến cà phê.

Tàu đi giữa sông, hướng mắt ra một bên là núi rừng của đất Thái, một bên là những bãi bồi của Lào. Sông không chảy thẳng một dòng mà uốn khúc. Chắn giữa sông có khi là những nhánh củi khô đã hóa thạch. Có chỗ đá ánh lên một màu tím rịm, nhưng lạ kỳ, khi chúng tôi thu màu sắc đó vào trong máy ảnh, thì chỉ thấy màu xanh đen nguyên thủy của đá. Trên một bãi bồi phía Lào, đàn cò trắng hàng trăm con đang ngủ gật. Gần ngay khúc thượng nguồn, nước đục ngầu, chảy xiết và xoáy như lũ. Đó là đoạn đường mà chỉ có người lái tàu thạo đường mới biết rõ mức độ nguy hiểm của nó như thế nào. Chúng tôi đứng ngay mũi tàu, bị anh giận dữ “quát” cho một trận bằng tiếng Lào, vì anh biết chắc rằng khi rơi xuống sông sẽ chẳng còn đường nào để trở lên. Chẳng ai có thể cứu khỏi dòng nước xoáy đó. Khi chúng tôi xuống phía sau bếp tàu, được cô chủ tàu người Lào thảo ăn, đãi món cá nướng. Cá của dòng Mêkông, vừa được câu lên, tươi rói. Cá nướng mọi, chấm muối trắng, vị ngọt đậm đà.

Thị trấn “bí ẩn”

Khách nghỉ đêm tại thị trấn Pakpeng heo hút – điểm dừng chân duy nhất trên hành trình đường sông từ biên giới Lào – Thái đến Luang Prabang. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn ngờ ngợ về sự tồn tại của cái thị trấn nhỏ bé mà kỳ lạ, dù đã thực đặt chân lên nơi đó. Thị trấn rất ngắn, đi loanh quanh chừng 10 phút là gặp đường cụt, đếm hai bên đường chỉ chừng chục ngôi nhà trọ lụp xụp, cho khách ở với giá 4 USD/người/ đêm. Cứ một phòng hai giường, khách lạ khách quen gì cứ ở chung với nhau. Đúng 10 giờ tối, cửa hàng, quán trọ tắt đèn hết, mặc cho khách còn trằn trọc thao thức vì phập phồng lo sợ. Người ở trong phòng thì nằm ôm khư khư túi xách, người đi ra ngoài cũng cõng theo ba lô trên vai, không dám rời tài sản mình đem theo nửa bước. Trời lại mưa rả rích, đom đóm bay vào phòng náo loạn. Nửa đêm, bóng người thấp thỏm xuất hiện bên song cửa. Chúng tôi gần như hụt hơi vì sợ. Nhưng không phải ma, cũng chẳng phải ăn cướp. Anh ta là người bán dạo cần sa. Chỉ buổi sáng ra, khi ánh mặt trời chiếu xuống nóng bừng thì chúng tôi mới… “sống” trở lại.

Đến Luang Prabang buổi chiều muộn của ngày hôm sau, cũng chỉ ở lại vùng đất trầm lắng một thoáng vài ba tiếng đồng hồ. Trong thời gian ngắn ngủi đó, Luang Prabang trong chúng tôi là những chú tiểu nói chuyện với mắt nhìn… tình đáo để. Là cô gái trẻ Luang Prabang mặc chiếc đầm màu nâu, chỉ biết nói chuyện với khách bằng những cử chỉ từ bàn tay, đôi mắt mở to và miệng cười. Cô nhanh chóng gật đầu đi theo đoàn khách lạ, và hồn nhiên ngồi ăn chén bún với họ như một đứa trẻ. Người ta bảo rằng cô đến từ “phố đèn đỏ” của xứ sở này. Cũng chẳng rõ thực hư.

Theo Thủy Linh (Thanh Niên Online) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *