0/08, 7:56 am Đến với đất nước Italia (1)

Italia là một đất nước có lịch sử phát triển lâu đời. Những công trình kiến trúc đồ sộ và cổ kính đã mọc lên từ những năm đầu Công nguyên vẫn còn được bảo tồn tốt cho đến ngày nay. Đến với đất nước Italia, chúng ta như lạc vào mộ vườn cổ tích mà mỗi công trình là một câu chuyện huyền sử sinh động và đầy ấn tượng.

Đài phun nước Trevi (Trevi Fountain) được khởi công xây dựng vào thế kỷ XV, nó đại diện cho sắc thái kiến trúc rực rỡ của thành Rome. Đứng từ quảng trường, bạn sẽ thấy được cả tháp nước như một đài tráng lệ. Để có được sự nguy nga và lộng lẫy như thế, công trình phải mất gần 300 năm xây dựng mới có thể hoàn thành. Vào năm 1450, Đức giáo hoàng Nicholas đệ ngũ đã mời kiến trúc sư Abaete thiết kế đài phun nước Trevi, nhưng những biến cố xảy ra đã khiến công việc bị trì hoãn và đến 300 năm sau, với sự góp sức của nhiều kiến trúc sư tài danh, đài phun nước Trevi mới được hoàn thành vào năm 1762.


Đài phun nước Trevi

Tuy ở Rome có hơn 3 ngàn đài phun nước lớn nhỏ khác nhau nhưng danh tiếng của đài phun nước Trevi luôn nổi bật. Đài phun này còn được gọi là “vòi phun hạnh phúc” hay “hồ cầu nguyện”. Truyền thuyết kể rằng, chỉ cần xoay lưng về phía đài phun nước và cầu nguyện rồi tung một đồng tiền rơi vào hồ nước thì mọi ước nguyện sẽ thành hiện thực.

Đấu trường Colosseum là một trong những di tích của La Mã cổ đại lớn nhất thế giới. Là biểu tượng cho từng thời kỳ rực rỡ của đế quốc La Mã cổ đại vào 2.000 năm trước. Khi xây dựng đấu trường phải cần đến 80.000 tù nhân và nô lệ. Có không ít người đã chết vì lao động quá sức. Trong ngày khai mạc đấu trường có đến 5.000 con mảnh thú và 3.000 đấu sĩ đã thiệt mạng. Để có được những vinh quang, con người đã đánh đổi quá nhiều xương máu. Đấu trường là một di tích của La Mã cổ đại lớn nhất trên thế giới. Nó được khởi công xây dựng vào năm 72 và đến 7 năm sau, tức vào năm 79, công trình này mới được đức vua kế vị tổ chức nghi thức khánh thành. Nhưng thời đó, đấu trường cũng chưa thật sự hoàn thiện. Từ năm 81 đến năm 96, đức vua đương thời một lần nữa hạ lệnh chiêu mộ các thợ điêu khắc đến trang trí và thiết kế lại đấu trường.


Đấu trường La Mã được chụp từ Palatine Hill


Toàn cảnh phía bên trong Đấu trường La Mã Colosseum

Đấu trường là một sân vận động hình tròn, các vật liệu dùng để làm nên đấu trường đều là đá. Bờ tường cao khoảng 48 mét, tương đương độ cao của tòa nhà 12 tầng. Tổng diện tích khoảng 20 ngàn mét vuông. Có thể chứa tối đa 80 ngàn người. Nơi xây đấu trường trước đây là một hồ nước, người ta đã san lắp và nâng nền đấu trường lên độ cao 7,5 mét. Trong thế giớ kiến trúc vào 2.000 năm trước thì đấu trường quả là công trình kiến trúc đáng xướng danh.
Đấu trường là nơi diễn ra nhiều thể loại thi đấu, có khi là người đấu với người cũng có khi là người đấu với mảnh thú. Tuy những trận đấu nguy hiểm chết người nhưng đó là một trong những môn giải trí thịnh hành nhất của Đế quốc La Mã đương thời. Mỗi lần diễn ra cuộc đấu đều có sự hiện diện của vua, giới quý tộc và thu hút rất đông bá tánh thường dân đến xem. Họ ngồi đầy kín trên các hàng ghế của khán đài trong tiếng hò reo cổ vũ vang rền. Để thỏa mãn thú vui giải trí của giới quý tộc thời đó, có vô số đấu sĩ và mãnh thú đã thiệt mạng.

Người La Mã rất hiếu chiến nên thường tổ chức rất nhiều cuộc thi đấu. Lúc đầu các đấu sĩ đều bị ép buộc ra sân đấu, đa số họ đều là tội phạm, nô lệ, tù binh, họ vốn không có quyền sống. Nếu họ muốn được sống tiếp chỉ còn cách phải cầm vũ khí bước vào đấu trường và đánh bại đối thủ. Tất cả các trận đấu đều được cổ vũ cuồng nhiệt, kẻ chiến thắng nhận được sự khuyến khích của khán giả và có thể thay đổi thân phận. Từ một nô lệ không còn quyền sống, bỗng chóc trở thành nhân vật anh hùng trong mắt giới quý tộc và có thể đổi đời. Đấu trường lúc đầu chỉ có nô lệ, sau đó các quân nhân tài năng và có võ nghệ cũng muốn vào thi đấu như các đấu sĩ thực thụ.

Trải qua hơn 2000 năm, phần lớn kiến trúc của đấu trường đã bị hư hại, nhưng những gì còn lại vẫn giúp mọi người cảm nhận được diện mạo năm xưa của đấu trường cũng như không khí hào hùng của những trận đấu ngày nào.

Gia Nữ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *