Nghe người bạn rủ đi xem đấu bò, tôi thoáng nhăn mặt nghĩ đến những hình ảnh tàn nhẫn. Nhưng sau khi ngồi giữa đấu trường hàng ngàn năm tuổi tại Nimes (Pháp), tôi đã hiểu vì sao môn thể thao đẫm máu này vẫn có không ít khán giả trung thành. Nói đến Pháp, người ta nhắc nhiều đến Paris, Nice, Marseille hay Bordeaux…
Đền thờ ở Nime |
Tuy nhiên, trong lòng nước Pháp còn rất nhiều thành phố nhỏ xinh xắn, ẩn dấu trong mình những công trình hàng nghìn năm tuổi cùng các lễ hội độc đáo lâu đời. Nimes là một thành phố như thế.
Poster phim "Heros de Nimes", bộ phim tài liệu 3D dài 22 phút được chiếu miễn phí cho khách du lịch |
Nằm ở miền Nam nước Pháp, Nimes có nhiều công trình kiến trúc cổ, nổi bật nhất là đền thờ La Mã và đấu trường La Mã (Arenes de Nimes). Hai công trình này được xây dựng từ thời cổ đại khi người La Mã còn chiếm đóng vùng đất này. Đến nay, đền thờ vẫn còn khá nguyên vẹn, chỉ bị cháy xém một phần mặt tiền.
Bên trong đền thờ, người ta đã cải tạo thành một rạp chiếu phim 3D để giới thiệu lịch sử của Nimes thông qua bộ phim “Heros de Nimes” (tạm dịch: Những người hùng của Nimes).
Cách đền thờ vài trăm mét là đấu trường La Mã vĩ đại. Dưới thời La Mã, nơi này diễn ra những cuộc đấu sinh tử giữa các võ sĩ nô lệ để mua vui cho giới quí tộc. Ngày nay, đấu trường được dùng để tổ chức các cuộc đấu bò tót vào tháng 5 hàng năm.
Toàn cảnh đấu trường Nimes |
Một góc đấu trường của Nimes trong ngày hội đấu bò hằng năm |
Bên trong đấu trường, khán giả ngồi kín hết các hàng ghế bên dưới dù giá vé cho các vị trí này rất đắt đỏ |
Trong mỗi đợt trình diễn kéo dài ba tiếng, có tất cả 6 chú bò lần lượt “ra trận”, mỗi con nặng trung bình 500kg. Đấu bò ở Nimes có 2 hình thức. Ở kiểu thứ nhất, kỵ sỹ cưỡi ngựa để đấu với bò tót. Kiểu thứ hai, đấu sỹ đi bộ và dùng một tấm vải đỏ để đấu bò. Dù là hình thức nào, nhiệm vụ của đấu sỹ là dùng nhiều lao nhọn đâm vào con bò, khiến nó mất nhiều máu và yếu dần. Cuối cùng, anh ta kết thúc cuộc đấu bằng một nhát kiếm hoặc một nhát thương đâm vào lưng bò, xuyên qua lớp da và ngập sâu vào phổi. Không thở được, con bò tót sẽ ngã quỵ.
"Lý lịch trích ngang" của một chú bò tót |
Những ai có dịp xem đấu bò không nên bỏ lỡ phần trình diễn của các kỵ sỹ. Họ cưỡi ngựa ung dung ngay trước mặt con bò tót hung dữ như thể không có bất cứ nguy hiểm nào.
Trong rất nhiều trường hợp, kỵ sỹ hoàn toàn không cầm cương, con ngựa tự xác định đường chạy và luôn lởn vởn ngay trước mũi bò. Không chỉ đơn thuần quay đầu tránh khi con bò lao đến, ngựa biểu diễn còn biết nhịp chân, chạy ngang, chạy lùi, có khi lại xoay đầu 360 độ ở khoảng cánh rất gần mà con bò không tài nào húc trúng.
Có cảm giác con bò lực bất tòng tâm. Nó hung hăng lao về phía con ngựa và cố gắng húc thật mạnh nhưng chỉ hoài công. Còn ngựa cứ đủng đỉnh, nhịp nhàng né tránh.
Con bò hung hãn chuẩn bị lao vào húc đổ chú ngựa cùng với người chủ trên lưng nó |
Nhưng người kỵ sỹ điều khiển ngựa lách sang một bên, vừa kịp tránh được cú húc của bò tót |
Con bò lao thẳng vào người kỵ sỹ và ngựa. Ngựa “lững thững chạy ngang” để lùi ra xa, tránh cú húc của bò. Đây là một trong những pha gay cấn và hấp dẫn nhất trong đấu trường Nimes |
Vào những thời điểm hấp dẫn nhất, kỵ sỹ còn điều khiển ngựa nhịp chân một bên, đánh lừa hướng di chuyển của con bò rồi đảo sang hướng đối diện để né cú húc.
Có lúc bò và ngựa gần nhau đến mức đuôi ngựa phe phẩy vào mặt bò và người đấu sỹ có thể với tay vỗ đầu bò. Đây cũng chính là pha trình diễn gay cấn nhất, hấp dẫn nhất và nghệ thuật nhất của môn đấu bò.
Cách đấu bò thứ hai, đấu sỹ đi bộ, dùng một tấm vải đỏ vờn bò. Tuy nhiên, trước đó, con bò tót đã bị một kị sỹ cưỡi ngựa mặc giáp đâm vào lưng bằng mũi giáo ngắn.
Khi trận đấu mới bắt đầu, một số đấu sỹ dùng vải đỏ chọc tức con bò. Nó điên tiết lên lao vào tấn công ngay cả khi họ đã trốn sau các tấm chắn kiên cố bằng gỗ |
Đây cũng là giai đoạn mà khán giả phản đối nhiều nhất vì cuộc đấu đã mất tính công bằng, con bò chỉ biết húc vào áo giáp của ngựa một cách vô vọng trong khi kỵ sỹ thoải mái đâm vào lưng bò. Cũng vì vậy mà cách đấu bò thứ hai trở nên thiếu tính nghệ thuật và kém hấp dẫn hơn hẳn cách đầu tiên.
Đấu bò là một hình thức giải trí rất đặc biệt. Khán giả theo dõi trận đấu liên tục thay đổi cảm xúc và thái độ, đôi khi hoàn toàn trái ngược. Trên hàng ghế khán giả, tôi từng chứng kiến nước mắt nghẹn ngào lăn dài trên má các cô gái lẫn chàng trai khi con bò lưng đầm đìa máu, không thở nổi khi trúng nhát kiếm xuyên vào phổi.
Con bò cố gắng đứng trên sân cát, máu tuôn qua mũi và miệng. Chân nó run rẩy. Nó chết dần trong đau đớn. Cảnh tượng đó làm tất cả mọi người chết lặng. Rồi ai đó trên khán đài la thất thanh một câu tiếng Tây Ban Nha. Tôi đoán rằng, anh ta yêu cầu kết thúc nhanh cuộc sống con bò bằng nhát dao định mệnh đâm vào sau gáy, để nó thoát khỏi sự đau đớn nghiệt ngã của cuộc chơi.
Cuối cùng, khi con bò ngã xuống, cả khán đài đứng bật dậy reo hò. Các cô gái sung sướng vẫy khăn trắng khi con bò được kéo vào trong trên chiếc cáng màu đen. Tiếng vỗ tay không ngớt dành cho người đấu sỹ giỏi nhất – giết chết con bò nhanh nhất và theo cách nghệ thuật nhất.
Khó có thể nói đấu bò không phải là một nghệ thuật, bởi đấu sỹ và ngựa của anh ta đã phải tập luyện cật lực để đạt đến một trình độ biểu diễn tuyệt hảo. Có lẽ chính vì vậy mà mặc dù đã, đang và sẽ luôn bị nhiều người phản đối, đấu bò vẫn có khán giả trung thành riêng của nó!
Xem đấu bò chắc chắn là một trải nghiệm khó quên trong đời đối với bất kỳ ai, đặc biệt là khi bạn được chứng kiến trong đấu trường La Mã cổ đại. Nếu có cơ hội, hãy đến Nimes để kiểm chứng!
Theo NLĐ