Bốn mươi lăm phút xe buýt từ KualaLumpur đến sân bay quốc nội Subang, thêm một giờ bay trên chiếc phi cơ Dash-7 48 chỗ ngồi của hãng hàng không Barjaya Air từ Subang đến sân bay Pulau Tioman, một vùng thiên nhiên hoang sơ lộ ra, ngay cổng sân bay, từng đàn dơi quạ đậu đen kịt trên các cây thông lá kim, cây cổ thụ kêu vang chí choé

Dưới mép nước ngoài biển, từng đàn cá lớn nhỏ đủ màu sắc tung tăng trong làn nước xanh biếc, sóng dập dìu vào đụn cát vàng óng ôm lượn theo đảo. Phía rừng, bầy khỉ mến khách dắt díu nhau ra tận mép đường nhìn khách lạ, bên bờ cỏ từng chú thằn lằn to bằng bắp vế chậm rãi lượn lờ nhởn nhơ vẻ như không thấy sự hiện diện của con người.

Câu chuyện bảo tồn

Biệt thự Shahzan ở Tioman, nơi dành cho các nguyên thủ và chính khách với giá 10.000RM (50 triệu đồng)

Đến Tioman, xâm hại đến thiên nhiên sẽ bị phạt theo luật rất nặng. Có điều khoản ghi: “Nếu xâm hại đến san hô, các loài cá, động vật trên đảo Tioman sẽ bị nhận mức phạt 20.000RM (100 triệu đồng) hoặc bị phạt tù giam hai năm. Nếu mức độ xâm hại nghiêm trọng, du khách sẽ phải nhận cùng lúc cả hai hình phạt trên”. Ngay cả chuyện lấy một nhúm cát biển ra khỏi Tioman cũng là điều cấm kỵ. Chính những khắt khe ấy đã giữ cho Tioman một vẻ hoang sơ giữa trời xanh và rừng – biển.

Tioman từng được tạp chí Time bình chọn là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới. Ý thức gìn giữ, bảo tồn vẻ hoang sơ của Tioman cũng được những người từ thường dân đến chính khách tuyệt đối tuân theo. Nhà tỉ phú Vincent Tan người Malaysia – chủ nhân khu Berjaya Tioman Beach, Golf & Spa Resort – cũng ý thức góp phần vào bảo tồn hòn đảo, ông tự bỏ tiền thuê hẳn một đội ngũ chuyên đi vớt các rác thải quanh đảo để giữ cho tầng san hô phát triển bền vững.

Ngay hôm chúng tôi ở Tioman, lúc trời sẩm tối, hai cô gái bản địa hớt hải chạy đến xin giúp đỡ. Tưởng chuyện nghiêm trọng, hoá ra chỉ là đưa một con cua nhỏ bằng lòng bàn tay – đang loăng quăng trong bãi cỏ – ra bờ biển. Hai cô gái đổ hết các dụng cụ trang điểm trong túi xách của mình ra bãi cỏ, dùng chiếc túi cố lùa con cua vào nhưng không được. Vì vậy hai cô ngỏ ý nhờ giúp vì sợ rằng con cua lạc đường nó sẽ chết. Khi con cua được mang ra mép biển, hai cô gái hết lòng cảm ơn cứ như vừa mới giúp họ một nghĩa cử gì đó cao đẹp lắm. Chợt nghĩ, nếu con cua ấy ở đâu đó Phú Quốc, Nha Trang hay Côn Đảo, lại là một câu chuyện khác.

Rừng hoà cùng biển

Tioman gây ấn tượng ngay từ cửa ra máy bay với một màu xanh của thiên nhiên hoang dã, cả hòn đảo được bao bọc phía ngoài là biển, trong đất liền là rừng nhiệt đới dày đặc với các loại chim muông, thú rừng. Những hoạt động dã ngoại khi lên rừng thường có mục mang thức ăn phân phát cho khỉ, cho thằn lằn. Ở trong rừng, tầng cao phủ đầy cổ thụ, tầng thấp là các loài hoa đua nhau nở, tạo một bức tranh đầy màu sắc, hoà cùng tiếng chim hót đây đó thật vui nhộn. Các hoạt động như chơi golf, cưỡi lừa, cưỡi bò, lướt ván, đi du thuyền… cũng thu hút khách đến với Tioman.
Hoạt động thú vị nhất ở Tioman là khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của tầng tầng lớp lớp các loài san hô và cá. Với một chiếc kính lặn có ống thở, và hai phút cho hướng dẫn viên chỉ cách sử dụng, cả một thế giới nước lung linh mở ra trong tầm mắt. Do sự chấp hành và ý thức bảo tồn thiên nhiên gần như tuyệt đối, từng tầng lớp san hô và các bãi đá ngầm cùng đàn cá đủ màu sắc rất dạn người, bơi ngay cạnh cho du khách thoả thuê ngắm màu sắc sặc sỡ của chúng. Tiết mục lặn biển cho cá ăn gần như không du khách nào đến với Tioman bỏ qua, những miếng bánh mì để trong lòng bàn tay, cá lớn nhỏ mỗi con một sắc độ đua nhau tụ lại rỉa cả vào tay tạo cảm giác thích thú đến tê người. Những bãi lặn nổi tiếng có thể kể đến như đảo Renggis, Sepoi, Tulai, Chebeh, Labas, vịnh Genting, dãy đá Malang, Bahara…

 
Ngay sau những khu resort ở Tioman là rừng, với mây mù vờn từ trên núi   Một góc của bờ biển trên đảo Tioman

Biển xanh không biết cơ man nào là cá, nhưng trong thực đơn các nhà hàng, khu resort món ngon chỉ là thịt nướng, cà ri gà, bò… không thấy có sự hiện diện của cá, đủ thấy ý thức giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên ở Tioman chặt chẽ đến mức nào. Tìm ra một vùng đất lạ, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên không khó nhưng để bảo tồn và gìn giữ nó đẹp như một Tioman thì không phải nơi nào cũng làm được.

Bài: Nguyễn Đình Ảnh: T.Y (Theo Sgtt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *