Chuyện ba chú khỉ “không nhìn, không nghe, không nói” Nikko, Nhật Bản
28/11/2016Nếu bạn đến du ngoạn Nhật Bản vào mùa Thu, bạn nên ghé đến thành phố mùa Thu nổi tiếng nhất nước Nhật, Nikko. Tại đây, ngoài sự quyến rũ của màu sắc rực rỡ, còn có ngôi đền Toshogu (Ðông Chiêu Cung) – một ngôi đền Thần Ðạo lớn, kiến trúc đẹp nhất và tốn kém nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Toshogu là ngôi đền Thần Ðạo thờ Tướng Quân Tokukawa Ieyasu (Ðức Xuyên Gia Khang) một vị Shogun nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản vào thế kỷ 17.
Kiến trúc đền hết sức nguy nga rực rỡ cộng lẫn với các triết lý đời sống được các nghệ nhân Nhật Bản khắc họa trong đền thờ tạo thành một nét văn hóa riêng biệt cho thành phố Nikko nói riêng và Nhật Bản nói chung.
Bạn có biết, hình ảnh ba chú khỉ một chú lấy hai tay che mắt, một chú bịt hai tai, và một chú bụm miệng mình lại là một hình ảnh nổi tiếng lan truyền khắp nơi trên thế giới được phát xuất từ ngôi đền Toshogu.
Ðến du ngoạn đền Toshogu, sau khi bạn đi qua hai cổng thần đạo Tori, cũng chính là lúc bạn sẽ có dịp gặp “chuồng ngựa thần” của đền. Ðây là nơi tạm trú của các con ngựa “thần” được ban tổ chức tuyển chọn để diễn hành trong các dịp lễ hội của đền. “Chuồng ngựa thần” được xem như là một kiến trúc sơ sài nhất trong khu vực đền thờ. Nếu không có người hướng dẫn, du khách dễ dàng bỏ lỡ dịp sự thưởng ngoạn kiến trúc này.
Nhớ lại lần đầu tiên đến viếng đền Toshogu, tôi ngớ người khi nhìn thấy các tấm tượng gỗ được đục khắc hình ảnh đàn khỉ gắn chung quanh viền mái chuồng ngựa thần. Ðó là tám tấm gỗ được đẽo khắc hình tượng diễn tả về hành trình đời sống của loài khỉ. Nghệ nhân người Nhật Hidari Jingoro đã nhân cách hóa con cháu “Tề Thiên Ðại Thánh Tôn Ngộ Không” để diễn tả về kiếp nhân sinh của con người.
Trong số tám hình ảnh đẽo khắc trên viền mái chuồng ngựa thần, hình ảnh tấm gỗ ba con khỉ “che mắt không nhìn, bịt tai không nghe, bụm miệng không nói” nổi bật nhất, lấn át đi toàn thể ý nghĩa của bảy tấm tranh kia. Nhưng để hiểu ý nghĩa toàn bộ ý nghĩa mà nghệ nhân Jingoro muốn gửi gấm đến đời sống thì chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của tất cả các tấm gỗ treo trên “chuồng ngựa thần.”
Người ta có thể hình dung ra đời sống con người mà Jingoro đã nhân cách hóa ra từ đời sống của khỉ. Khỉ con sau khi lọt lòng mẹ, nó lúc nào cũng sống ôm theo vòng tay khỉ mẹ. Ðiều này làm cho khỉ mẹ lo xa cho tương lai khỉ con. Ðể cho khỉ con bước vào đời với con đường bằng phẳng, không bị những khổ sở lo âu, nhọc nhằn ganh ghét, dễ đem đến sự tuyệt vọng của đời sống.
Khỉ mẹ cố gắng dạy khỉ con ba điều “không nhìn các điều xấu xa,” “không nghe các điều xấu xa,” “không nói các điều xấu xa.” Ðó mới chính là ý nghĩa thực dụng của các hành động khỉ bịt tai, che mắt, và bụm miệng. Khỉ mẹ chỉ cho khỉ con con đường vui sống ngày sau, khi một mai khỉ mẹ không còn bên nó nữa.
Ðộng tác “che-bịt-bụm” của ba con khỉ thực ra chỉ là hình ảnh của một chú khỉ con. Chú không mù mà phải sống như là không nhìn thấy những điều tồi tệ, chú không điếc mà phải sống như không nghe thấy những điều điêu dữ, miệng chú không câm nhưng chú nên nói những điều tốt hướng thượng, không cần nói ra những sự điêu ngoa xấu xa, ăn không nói có! Những lời răn dạy của khỉ mẹ cốt ý chỉ muốn cho chú khỉ con được sống thảnh thơi thoải mái trong kiếp sống ngắn ngủi của chú.
Trong ngôn ngữ Nhật Bản, khi bạn không nhìn thấy sự vật thì được gọi là “Mizaru.” Nếu bạn bị lãng tai hay không nghe thấy âm thanh quanh bạn thì đó là “Kikazaru,” còn nếu bạn bị cứng họng vì bất cứ lý do gì thì bạn sẽ là người đồng hành với hòa thượng “Nói Không Ðược/Không Ðược Nói” trong tiểu thuyết Kim Dung, tiếng Nhật viết là “Iwazaru.”
Ba chữ “Mizaru-Kikazaru-Iwazaru” được xếp lại gần nhau và trở thành một câu ngạn ngữ nổi tiếng vào đầu thế kỷ 17 trong văn hóa Nhật Bản mà đã được Hidari Jingoro thời đó đẽo khắc, tượng hình triết lý của ông qua hình ảnh ba chú khỉ. Cả ba chú làm động tác “không nhìn, không nghe, và không nói” về những sự xấu xa của đời sống.
Thế nhưng tại sao Hidari Jingoro lại không dùng hình ảnh người để ám chỉ về triết lý của mình mà ông lại dùng đến “khỉ” để nhân cách hóa lão “Tôn Ngộ Không?” Có lẽ câu trả lời vẫn thuộc về phần ngôn ngữ Nhật Bản.
Tiếng Nhật “Saru” là “khỉ, con khỉ,” “miru” là động từ “nhìn, nhìn thấy.” Khi nối hai chữ “miru-saru” thì người ta đọc là “mizaru” (không ai đọc là miru-saru cả) và có nghĩa “khỉ không nhìn.”
Tương tự như thế cho hai chữ “Kikazaru/khỉ không nghe” và “Iwazaru/khỉ không nói.” Chỉ có điều chúng ta nên phân biệt “khỉ không nghe” không có nghĩa là khỉ điếc, “khỉ không nhìn” không có nghĩa là khỉ mù, và “khỉ không nói không phải là khỉ câm. Thế mới là triết lý “cùn” của đời sống!
Theo nuocnhat.org