Đảo Jeung-do nằm ở cực Nam của bán đảo Triều Tiên. Vào tháng 12/2007, thành phố Jeung-do trên đảo được công nhận là thành phố chậm đầu tiên ở châu Á. Trên hòn đảo này có một bãi đất lầy rộng lớn – nơi thú vị để mọi người đến gần với tự nhiên.
Đi trên chiếc cầu Zzangddungeo bắc ngang qua bãi đất lầy, bạn sẽ có cơ hội nhìn ngắm nhiều loài sò ốc và cá. Cuộc sống trên bãi đất này phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của thủy triều. Khi thủy triều rút xuống để lộ bãi đất bùn rộng lớn. Đó cũng là lúc nhiều loài động vật ra khỏi nơi trú ẩn thu hút nhiều người đến bắt.
Đảo Jeung-do còn lôi cuốn du khách bởi khu làm muối lớn nhất ở Hàn Quốc. Các cánh đồng muối nơi đây được xem là di sản văn hóa của người Hàn. Muối ở đây nổi tiếng với chất lượng cao và có nhiều khoáng chất. Muối được làm theo cách tự nhiên là để nước bốc hơi khi trời có nhiều nắng.
Khi đến thăm khu vực này, du khách không chỉ được thỏa sức quan sát và tìm hiểu về nghề làm muối bằng phương pháp truyền thống mà còn có cơ hội tham gia thu gom sản phẩm cùng với dân địa phương. Sau khi tham gia thu hoạch muối, bạn sẽ hiểu thêm về sự vất vả của những người làm công việc này. Dù ngày nay đã có máy móc thay thế sức lao động của con người trong việc thu gom và vận chuyển muối, nhưng nhiều du khách vẫn thích được tham gia các hoạt động đã có từ nhiều năm trước.
Bạn có biết, muối là một trong những loại gia vị đầu tiên mà con người dùng để ăn không? Trong tiếng Hàn Quốc, từ Sogeum có nghĩa là vàng nhỏ. Từ này cũng dùng để chỉ muối có giá trị như một con bò hoặc vàng.
Seongsan-Ilchulbong là tên của một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động. Nó có hình dáng như một tòa lâu đài. Núi là nơi đầu tiên ở Hàn Quốc được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tự nhiên vào năm 2007. Mỗi dịp xuân sang vùng núi được điểm thêm những cánh đồng hoa cải dầu màu vàng rực rỡ. Đứng trên núi, bạn sẽ được ngắm cảnh mặt trời lên rất ngoạn mục.
Lặn tìm ốc xà cừ, bạch tuộc, nhím biển, bào ngư… là những việc thường ngày của nhiều người phụ nữ ở vùng biển của Hàn Quốc, mà đặc biệt là trên đảo Jeju. Các nữ thợ lặn không sử dụng bình oxy vì sức nặng của bình sẽ làm họ khó thao tác dưới đáy biển. Bộ đồ lặn màu đen và kính bơi là tất cả những gì họ cần. Dù tuổi đã cao, nhiều nữ thợ lặn vẫn có thể nhịn thở đến 2 phút. Tuy nhiên, nghề này đang dần mai một. Giờ đây, số lượng thợ lặn nữ chỉ còn khoảng hơn vài nghìn và nhiều người trong số họ đã hơn 60 tuổi. Công việc lặn tìm hải sản của các nữ thợ lặn trên đảo Jeju đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Nghề lặn biển của phụ nữ Jeju đã có hàng ngàn năm lịch sử khi con người bắt đầu ra biển tìm bắt hải sản về làm thức ăn. Vì Jeju là hòn đảo nhỏ, không có nhiều đất để trồng trọt hay chăn nuôi thế nên, có nhiều người phụ nữ ra biển tìm bắt bào ngư và sò ốc. Họ nhận ra rằng, nghề lặn biển có thể kiếm được một số tiền đáng kể.
Nghề lặn biển cũng được phân thành 3 nhóm là chuyên nghiệp, trung bình và học việc. Một thợ lặn biết rõ nơi nào có bạch tuộc, ốc biển và bào ngư thì sẽ là bậc thầy lặn biển.
Thanh Trúc