Là tỉnh cực Nam Trung Trung bộ, giáp với Phú Yên ở phía Bắc, Ninh Thuận ở phía Nam và Đắk Lắk ở phía Tây, Khánh Hòa có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa trong thế bố trí phòng thủ dọc ven biển miền Trung. Nơi đây có Cam Ranh, căn cứ quân sự hải – lục – không quân thuộc dạng “bất khả xâm phạm” của Mỹ.
Quân giải phóng tiến về thị xã Nha Trang ngày 2-4-1975 |
Ngày 31-3-1975, Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật Phạm Văn Phú giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 bằng mọi giá phải giữ đèo Phượng Hoàng (trên đường 21) và đèo Cả (trên đường số 1). Đây là hai nơi có địa hình hiểm yếu, dễ bố trí công sự phòng ngự. Lữ đoàn dù số 3 ngụy chiếm lĩnh đèo Phượng Hoàng, cùng với liên đoàn bảo an tại đây hình thành dãy nút chặn liên tục từ Phượng Hoàng đến Dục Mỹ.
Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, Quân giải phóng theo đường 21 tiến xuống đồng bằng. Đến chiều 29-3, các đơn vị của Quân đoàn 3 đã áp sát khu vực đèo Phượng Hoàng. Lực lượng vũ trang Khánh Hòa cùng với Quân đoàn 3 tiến công đột phá loại khỏi vòng chiến đấu từng tiểu đoàn địch. Ngày 1-4-1975, “cánh cửa thép” đèo Phượng Hoàng, phòng tuyến phía Tây Ninh Hòa của quân đội Sài Gòn bị phá vỡ. Như một hệ quả dây chuyền, quân địch ở Khánh Hòa trở nên mất kiểm soát. Tiểu khu Khánh Hòa và Trường hạ sĩ quan Đồng Đế bị bỏ ngỏ. Tướng lĩnh Quân đoàn 2 ngụy tìm phương tiện chạy trốn. Binh lính nổ súng cướp xe thoát về Cam Ranh.
Ngày 2-4, Quân giải phóng tiến vào giải phóng thị xã Nha Trang, cắm cờ trên nóc dinh tỉnh trưởng. Tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng. (Riêng quân cảng Cam Ranh, phải đến 12 giờ trưa ngày 3-4-1975, Quân giải phóng mới làm chủ hoàn toàn).
Theo SGGP Online